Để nông nghiệp “cất cánh”
(BDO) Dù không phải là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng Bình Dương luôn coi trọng và quan tâm phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp chính là ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC).
Đến nay, Bình Dương đã có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó nổi bật là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Unifarm) do Công ty Cổ phần Đầu tư U&I làm chủ đầu tư với tổng diện tích thực hiện dự án trên 410 ha. Đối với sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, điển hình có Công ty Cổ phần Vinamit đầu tư phát triển 150 ha nông sản các loại như mít, chuối, rau... được cấp chứng chỉ canh tác hữu cơ, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic EU (Cộng đồng châu Âu).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án chăn nuôi ƯDCNC với quy mô lớn, như: Khu chăn nuôi gia cầm do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (diện tích 17,6 ha) với số lượng tổng đàn gà hậu bị và gà đẻ thương phẩm 1 triệu con/20 trại, năng suất bình quân 500.000 quả/ngày; Khu nông nghiệp ƯDCNC Tiến Hùng; Khu chăn nuôi bò sữa do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương đầu tư.
Có thể thấy, đây là hướng đi đúng, giải pháp then chốt, trọng tâm để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo ra sự phát triển vượt bậc. ƯDCNC giúp người điều hành có các thông tin chính xác nhất về điều kiện sản xuất để giám sát và điều khiển, cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tối ưu, cho năng suất và chất lượng cao, giảm nhân công lao động... Nhờ vậy, năng suất lao động và giá trị kinh tế tăng gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống.
Trong những năm qua, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đều được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện. Để từng bước khẳng định thương hiệu nông sản Bình Dương, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư nâng cấp những công trình có nhu cầu bức thiết phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi, điện...; xây dựng, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách trong hỗ trợ đầu tư nông nghiệp. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo cán bộ trẻ, có năng lực, tâm huyết để xây dựng lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý phù hợp yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới công tác dạy nghề cho lao động cơ sở theo hướng ứng dụng nông nghiệp thông minh, đáp ứng thực tế sản xuất của từng địa phương.
THOẠI PHƯƠNG