Để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống
(BDO) Đối với người khuyết tật (NKT) việc tham gia lao động, sản xuất không chỉ tạo nguồn thu nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn là cơ hội để họ khẳng định mình. Chính vì vậy, thời gian qua từ tỉnh đến cơ sở đã tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho NKT.
Khơi dậy khát vọng sống
Là một thanh niên của vùng đất Cây Trường (Bàu Bàng), anh Nguyễn Quốc Sinh (SN 1985) không may mắn mắc bệnh bại liệt làm cho đôi chân teo tóp. Không khuất phục trước số phận, anh được địa phương tạo điều kiện cho đi học nghề điện dân dụng. Sau khi học nghề, anh mở tiệm sửa chữa tại nhà và mở thêm đại lý bán vé số. Đến nay, cuộc sống của anh Sinh tương đối ổn định. Hai vợ chồng anh đủ điều kiện chăm sóc tốt cho đứa con trai.
Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh trao quà cho trẻ mồ côi, khuyết tật và con bệnh nhân nghèo
Làm chổi đối với người lành lặn đã khó, đối với NKT dùng đôi tay thay cặp mắt như người khiếm thị càng khó hơn. Thế nhưng, với nghị lực của mình, hơn 34 lao động tại cơ sở làm chổi của Hội Người mù tỉnh đã và đang tạo ra hàng ngàn sản phẩm cung cấp cho hầu hết các công ty, xí nghiệp, các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Nhờ có việc làm ổn định nên nhiều NKT có tiền dành dụm, lo cho con ăn học, phụ giúp gia đình và mua sắm một số vật dụng có giá trị. Anh Nguyễn Văn Hai, công nhân có thâm niên 19 năm làm việc tại cơ sở tâm sự: “Với cách suy nghĩ của nhiều người, người khiếm thị chỉ biết bám vào gia đình, nhưng thực tế nay đã khác xa. Khi được hỗ trợ, tạo việc làm đời sống chúng tôi đã thay đổi. Chúng tôi tự tin có thể tự nuôi bản thân, phụ giúp gia đình”.
Khơi dậy khát vọng sống cho NKT không chỉ bằng việc mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn, từ tỉnh đến cơ sở còn vận động, tài trợ học bổng để NKT nâng cao tri thức, ổn định cuộc sống trong tương lai. Điển hình trường hợp Văn Anh Tuấn (SN 1999), khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, TX.Dĩ An. Anh Tuấn khuyết tật mất cánh tay trái do mắc bệnh Sarcom. Với quyết tâm của mình, anh Tuấn nỗ lực để học tập tốt. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn là rào cản để anh Tuấn thực hiện ước mơ chinh phục tri thức. May mắn anh Tuấn được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Dĩ An lập danh sách kêu gọi hỗ trợ, miễn giảm học phí. “Được sự quân tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, em cố gắng học tập tốt để trở thành người có ích cho xã hội”, Anh Tuấn nói.
Hỗ trợ mọi mặt
Đó là những trường hợp được hỗ trợ học nghề, học bổng của chương trình chăm lo cho NKT. Ngoài chăm lo, giúp đỡ NKT từ tỉnh đến cơ sở còn hỗ trợ nhà ở, vốn vay, tặng quà… Chính nhờ sự hỗ trợ, động viên kịp thời đã tạo thêm niềm vui, niềm phấn khởi giúp NKT có thêm nghị lực sống và khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và cho xã hội. Điển hình, năm 2016 và 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh tổ chức khám sàng lọc cho 1.035 lượt NKT nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở 9 huyện, thị, thành phố. Ngoài ra, trung tâm cũng cấp thuốc, tặng quà cho NKT được khám chữa bệnh với kinh phí 337 triệu đồng.
Riêng Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh với chức năng của mình, trong năm 2016 và 2017 đã hỗ trợ xây 22 căn nhà tình thương với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Hội cũng đã phối hợp vận động tặng quà lễ, tết cho 18.754 lượt NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo với tổng số tiền 8,1 tỷ đồng; phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 157 người mù với số tiền 230 triệu đồng; thực hiện các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho NKT...
Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, xác định mục tiêu chỉ hỗ trợ cho NKT cái “cần câu” chứ không hỗ trợ “con cá” mới hy vọng họ sẽ thoát nghèo. Vì thế, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của bản thân và gia đình những NKT, các chương trình từ tỉnh đến cơ sở đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, phần lớn NKT được hỗ trợ đều vươn lên làm kinh tế ổn định, tạo nguồn thu cải thiện cuộc sống. Đây thực sự là một trong những hướng trợ giúp thoát nghèo hiệu quả và bền vững. Và hơn thế nữa, các chương trình còn góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng trong việc giúp đỡ, động viên NKT vượt qua khó khăn, mặc cảm. “Nếu tặng NKT một khoản tiền thì chỉ có thể giải quyết nhu cầu trước mắt cho họ. Giúp họ có công việc phù hợp, học tập với khả năng sẽ là “chìa khóa” giải quyết vấn đề việc làm, đồng thời tạo nguồn sinh kế bền vững, lâu dài”, ông Trung nói.
“Toàn tỉnh hiện có trên 16.000 NKT, gần 6.727 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với sức ép của đời sống xã hội ngày nay và với rất nhiều yếu tố khác thì những NKT về mặt cơ thể cũng sẽ không ngừng tăng lên. Đặc biệt, có những người bị ảnh hưởng rất lớn do cuộc sống, nghề nghiệp... Vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt lưu ý trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng tất cả những chương trình hành động để bảo vệ quyền và tạo điều kiện tối đa cho những NKT và quan trọng là ngăn ngừa những yếu tố có thể dẫn tới số lượng NKT và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gia tăng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tích cực vận động những tổ chức, cá nhân từ thiện và các nhà hảo tâm cùng chung tay với hệ thống chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội”.
(Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)
THIÊN LÝ