Để người có công sống vui, khỏe

Thứ tư, ngày 08/07/2015

(BDO)

 NCC tại xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên được Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với đoàn bác sĩ TP.HCM đến khám bệnh tại chỗ

 Tận tình chăm sóc…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bình Dương hiện đang quản lý trên 52.000 hồ sơ NCC; trong đó, đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho 1.672 bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) (97 mẹ còn sống), 16.155 liệt sĩ, 3.613 thương binh (TB) các hạng, 658 bệnh binh, 806 cán bộ hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 4.656 NCC cách mạng trợ cấp một lần và hàng tháng… Đối với những NCC, họ thuộc nhóm người cao tuổi, độ tuổi đang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, phát sinh nhiều bệnh tật lại thêm những vết thương do chiến tranh gây ra nên rất cần được quan tâm chăm sóc, điều trị. Bởi vậy, các cơ sở y tế trong tỉnh đều dành sự ưu tiên hàng đầu cho NCC khi đến khám chữa bệnh.

Trường hợp mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhương (SN 1926, xã Long Nguyên, Bàu Bàng) là một minh chứng. Trong kháng chiến, mẹ vừa hoạt động mật, vừa làm kinh tế nuôi con. Tình nghi mẹ hoạt động cách mạng, chúng đã bắt giam mẹ gần 2 năm tại tiểu khu Bình Dương. Trong tù, chúng bắt mẹ khai hoạt động cách mạng. Không thể dùng lời nói, chúng đánh đập mẹ dã man nhưng cũng không có kết quả. Hòa bình lập lại, những vết thương ngày ấy ngày đêm âm ỉ làm mẹ đau. Mẹ tâm sự: “Do bị đánh đập, cộng với tuổi cao nên mẹ thường xuyên đau ốm. Vừa rồi phải nhập viện, mỗi lần nhập viện được các bác sĩ, y tá quan tâm chăm sóc, điều trị rất ân cần và tận tình”.

Cũng như mẹ Nhương, ông Nguyễn Văn Quốc, TB 2/4, ở khu phố 1, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát cảm thấy “ấm lòng” khi nhận được sự quan tâm. Ông tham gia cách mạng năm 1971 tại C61, Huyện đội Bến Cát. Năm 1974, trên đường đi công tác, ông bị trúng mìn và mất chân trái. Về sau, vết thương tái phát đã cướp đi cánh tay phải và con mắt phải của ông. “Các vết thương do chiến tranh cứ trái gió trở trời lại đau, hơn nữa giờ đây tuổi cao, sức yếu nên thường xuyên phải đi khám sức khỏe. Cũng nhờ có các bác sĩ, y tá của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước tận tình, quan tâm chăm sóc, hiện giờ sức khỏe cũng tạm ổn”, ông Quốc nói.

Còn nhiều NCC khác đã được điều trị tại các cơ sở y tế với nhiều nguyên nhân như bệnh do tuổi cao, vết thương thời chiến để lại tái phát hay ảnh hưởng hóa chất độc hại thời chiến tranh gây di chứng… được các cán bộ, nhân viên y tế tận tụy, nhiệt tình quan tâm chăm sóc, cứu chữa kịp thời. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thông qua việc khám bảo hiểm y tế miễn phí, NCC còn được chăm sóc sức khỏe theo chế độ khám chữa bệnh cán bộ trung cao. Đồng thời, các tổ chức y tế còn đến tận nơi, vào tận nhà khám bệnh, tặng quà và cấp thuốc miễn phí cho NCC.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, ngành LĐ-TB&XH còn tạo điều kiện cho NCC được tham quan du lịch, đi điều dưỡng để phần nào vơi đi nỗi đau do chiến tranh để lại. Theo đó, hàng năm, tỉnh đều trích ngân sách từ 1 - 2 tỷ đồng tổ chức cho 1.102 đối tượng là các mẹ VNAH, cán bộ hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và NCC tiêu biểu đi viếng lăng Bác, tham quan Côn Đảo và Phú Quốc.

Bà Hồ Thị Hoa, (SN 1937), cán bộ lão thành cách mạng xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên cho biết: “Bà may mắn được tạo điều kiện đi thăm Nhà tù Phú Quốc, Nhà tù Côn Đảo. Qua những câu chuyện thuyết minh của cán bộ quản lý nhà tù, bà biết được rất nhiều người con Bình Dương đã bị bắt đến đây và dù bị tra tấn vẫn chiến đấu đến cùng. Ghi nhận những hình ảnh đó, bà kể lại cho thế hệ trẻ, con cháu nghe để đời đời biết ơn thế hệ cha ông, cũng như nỗ lực sống, làm việc xứng đáng là thế hệ tương lai của đất nước”.

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NCC, ngành LĐ- TB&XH đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khảo sát đời sống các mẹ VNAH và TB nặng, đề nghị trích mua tặng các trang thiết bị nội thất cho gia đình khó khăn. Từ năm 2011 đến nay đã trao tặng trang thiết bị nội thất cho 222 gia đình NCC, với kinh phí trên 7 tỷ đồng. Đồng thời, ngành cũng trao 400 tivi cho gia đình NCC vàhộnghèo do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - chi nhánh Bình Dương tài trợ và xây tặng hơn 5.600 căn nhà tình nghĩa cho NCC.

Tuy nhiên, điều đáng trân trọng là NCC không ỷ lại vào những chế độ đãi ngộ mà phát huy truyền thống cách mạng, luôn kiên trung, gắng sức khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình. Toàn tỉnh hiện có 99,81% NCC đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của vùng dân cư nơi cư trú; trong đó có 1.360 hộ gia đình chính sách vươn lên làm giàu, 2.505 hộ khá, 3.021 hộ có mức sống trung bình.

THIÊN LÝ

 

Từ khóa: