Đề nghị tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 12 đến 14 năm tù

Thứ ba, ngày 04/01/2022

(BDO)

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 4/1/2022. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 4/1, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã nêu quan điểm và đề nghị mức án đối với 20 bị cáo trong vụ án.

Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với 12 bị cáo về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm Tất Thành Cang (Cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020) 12 đến 14 năm tù. Hai bị cáo Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy), Nguyễn Hữu Thành (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nguyễn Kim) cùng 6 đến 7 năm tù.

Lê Hoàng Minh (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty IPC từ tháng 2/2017) 5 đến 6 năm tù; hai bị cáo Vũ Xuân Đức-Nguyễn Trường Bảo Khánh (thành viên Hội đồng thành viên Công ty IPC) cùng 4 đến 5 năm tù.

Các bị cáo Trần Mạnh Khôi (người đại diện vốn của IPC tại SADECO), Đoàn Minh Lý (đại diện vốn của Công ty IPC tại SADECO), Lâm Văn Tuấn (thành viên Ban Kiểm soát SADECO), Phùng Đức Trí (nguyên Phó Tổng giám đốc IPC) cùng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Hai bị cáo Đoàn Thị Minh Trang (Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch IPC), Lương Trí Cường (chuyên viên Phòng Tài chính-Kế hoạch IPC) bị đề nghị 2 đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với 7 bị cáo về hai tội "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Điều 353 và Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị SADECO) 20 đến 22 năm tù cho cả hai tội, Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc SADECO) 19 đến 21 năm tù; Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng SADECO) và Trần Công Thiện (đại diện vốn của IPC tại SADECO) cùng 13 đến 15 năm tù, Huỳnh Phước Long (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO) 12 đến 14 năm tù, Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng giám đốc SADECO) 9 đến 11 năm tù, Phạm Xuân Trung (Phó Tổng giám đốc IPC) 6 đến 8 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Công ty Sadeco) bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 5 đến 6 năm tội "Tham ô tài sản."

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Các bị cáo tại Công ty IPC, SADECO và người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy tại SADECO đã thực hiện các thủ tục thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần SADECO với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim mà không thẩm định giá, đấu giá theo quy định tại khoản 5, Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ, gây thiệt hại cho SADECO hơn 1.103 tỷ đồng, trong đó, thất thoát tài sản nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng.

"Sau khi bị cáo Tất Thành Cang ký bút phê 'đồng ý' vào tờ trình 1148 chấp thuận chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000/cổ phần cho cổ đông chiến lược, Văn phòng Thành ủy đã ban hành thông báo 495 cụ thể hóa tờ trình 1148 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư thường trực. Từ đó, việc chuyển nhượng cho SADECO được hoàn thành. Điều này cho thấy vị trí, vai trò của bị cáo Tất Thành Cang mang tính chất quyết định. Cáo trạng truy tố bị cáo với vai trò đầu vụ là có căn cứ, đúng người, đúng tội, có căn cứ pháp luật. Tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang chưa thành khẩn, quanh co chối tội, cố tình né trách trách nhiệm, không thể hiện thái độ ăn năn, hối cải cần phải có của một người từng làm lãnh đạo dám làm, dám chịu nên cần có mức án nghiêm khắc" - Kiểm sát viên nhấn mạnh.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luận tội và đề nghị mức án. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Về vai trò của bị cáo Tề Trí Dũng, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá với vai trò là Tổng Giám đốc Công ty IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SADECO, bị cáo là người giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tại hai công ty, các bị cáo khác trong vụ án đa số là cấp dưới của bị cáo. Bị cáo Dũng thực hiện xuyên suốt các hành vi phạm tội của vụ án với vai trò chính, phải chịu trách nhiệm về số tiền Nhà nước bị thất thoát là 669 tỷ đồng ở hành vi chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, 2,1 tỷ đồng ở hành vi đi du lịch trái quy định và 4,6 tỷ đồng ở hình vi tham ô tài sản, riêng bị cáo chiếm hơn 1,7 tỷ đồng. Với vai trò chính trong vụ án, những hậu quả cho nhà nước, cho xã hội cần có một bản án nghiêm khắc mới đủ tính răn đe và mang tính giáo dục, phòng ngừa chung.

Đại diện Viện Kiểm sát ghi nhận trong quá trình điều tra, đặc biệt là tại phiên tòa, bị cáo Tề Trí Dũng có thái độ khai báo rõ ràng, thành khẩn, thể hiện thái độ ăn năn, hối cải, thể hiện được vai trò của người từng là lãnh đạo, nhận thức được hành vi sai trái của mình và chịu trách nhiệm đối với các hành vi sai trái.

Viện Kiểm sát đánh giá thiệt hại của vụ án đã được thu hồi, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ của mỗi bị cáo để cân nhắc khi lượng hình. Ngoài ra, Viện Kiểm sát đề nghị các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và Đỗ Công Hiệp liên đới bồi thường hơn 1,7 tỷ đồng./.

Theo TTXVN