Để nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống

Thứ bảy, ngày 11/12/2010

Kỳ họp lần thứ 18 - HĐND tỉnh khóa VII vừa kết thúc có tầm quan trọng đặc biệt so với các kỳ họp trước. Bởi đây là kỳ họp không những đánh giá lại các hoạt động trong năm 2010 mà còn vạch ra phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ Bình Dương lần thứ IX. Các đại biểu với vai trò và trách nhiệm của mình đã tích cực đóng góp vào nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có phương hướng và các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn kế tiếp. Vấn đề là làm thế nào để đưa nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống một cách tốt nhất.

Để thực hiện được chỉ tiêu GDP tăng 14,5% và thu nhập bình quân đầu người khoảng 36,1 triệu đồng/năm (gấp đôi của cả nước), đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh. Hiện nay theo đánh giá chung của các chuyên gia trong và ngoài nước thì Việt Nam tuy có tốc độ phát triển khá, nhưng độ ổn định và bền vững không cao. Chủ yếu việc phát triển trong những năm qua là dựa trên lợi thế thiên nhiên và sức lao động giá rẻ. Các lợi thế này về lâu dài là không có lợi khi phải đối mặt với hậu quả của xung đột quyền lợi (từ người lao động) và ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng cao. Bình Dương là một trong những địa phương đang phát triển nhanh, tuy nhiên cũng đang gặp phải những “khuyết tật” chung như các đánh giá trên. Trong kỳ họp vừa qua, vấn đề ô nhiễm môi trường được cử tri và các đại biểu phản ánh đã làm nóng nghị trường. Ô nhiễm môi trường tại Bình Dương không chỉ nhân dân trong tỉnh gánh chịu mà còn ảnh hưởng đến người dân phía dưới hạ lưu hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai. Mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng cả dạng rắn, lỏng và khí. Nhiều nơi mạch nước ngầm tầng thấp không còn sử dụng được và sẽ kéo theo hàng loạt gánh nặng về chi phí y tế. Mặc dù thời gian qua chúng ta có quan tâm và chừng mực nào đó đã làm quyết liệt để chống ô nhiễm nhưng cảm giác ta chưa có một đề án thực sự khoa học và cũng chưa đầu tư thực sự để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 Vấn đề lớn thứ hai đặt ra cho Bình Dương là chăm lo cho người lao động nhất là tầng lớp công nhân. Với dân số chỉ trên một triệu người nhưng công nhân đã chiếm gần 50% dân số cho nên đây là lực lượng lao động chủ yếu của tỉnh. Và, với các quy hoạch khu công nghiệp đã được duyệt, sau khi lấp kín diện tích, số lượng công nhân còn tăng cao hơn nữa. Qua một số đợt khảo sát của HĐND tỉnh cho thấy mức sống của công nhân còn quá thấp (thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng); trên 90% nhà ở cho công nhân không đạt theo tiêu chuẩn tối thiểu; sinh hoạt văn hóa tinh thần còn thấp. Hầu như họ chưa được hưởng lợi nhiều từ thành tựu phát triển chung của tỉnh. Vấn đề lớn thứ ba là làm sao thu hút và phát triển loại hình doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Bởi vì đây là loại hình doanh nghiệp tiêu biểu của các quốc gia tiên tiến (công nghệ hiện đại, lợi nhuận cao, không gây ô nhiễm...). Để thực hiện được vấn đề này cần có một cơ chế ưu đãi đột phá. Vấn đề lớn thứ tư là phải tích cực nâng cấp hạ tầng. Nếu hạ tầng yếu kém sẽ là một trong những yếu tố làm cản trở nhà đầu tư tìm đến.

Ngoài ra, còn những vấn đề tồn tại  khác cần được khắc phục để đưa Bình Dương phát triển nhanh và bền vững theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội IX của Tỉnh Đảng bộ. Và, để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của kỳ họp thứ 18 - HĐND tỉnh khóa VII đưa ra đòi hỏi phải có sự suy nghĩ, chuẩn bị một cách khoa học từ cơ chế chính sách đến thực tiễn hành động của các cấp, các ngành và cộng đồng trong tỉnh.

NGUYỄN HUỲNH