Đề nghị làm rõ hơn về chi phí hòa giải, mở rộng đối tượng hòa giải viên
(BDO) Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn về chi phí hòa giải và mở rộng đối tượng được bổ nhiệm Hòa giải viên nhằm thu hút đông đảo lực lượng hòa giải viên, tổng hợp chất xám, kinh nghiệm năng lực, sở trường của các nhóm đối tượng này góp phần giảm tải áp lực cho ngành tòa án.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 25-5, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Làm rõ hơn các quy định về chi phí hòa giải
Về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy có nhiều ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp. Có ý kiến đề nghị quy định đối tượng chịu chi phí là các vụ việc dân sự có giá ngạch từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên; các vụ án hành chính mà pháp nhân, cá nhân có yêu cầu về trách nhiệm dân sự. Ý kiến khác đề nghị quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại trong mọi trường hợp.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với ba trường hợp: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, nếu quy định như trong dự thảo Luật thì chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm sẽ bao gồm rất nhiều khoản. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn khoản nào sẽ do ngân sách nhà nước chi trả vì chi phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm rất nhiều khoản như phụ cấp cho hòa giải viên, chi phí in ấn tài liệu và các chi phí phát sinh trong quá trình hòa giải, đối thoại. Việc quy định chung như trong dự thảo Luật, ngân sách nhà nước hằng năm sẽ phải “gánh” thêm một khoản “khá nhiều”. Nếu quy định cụ thể hơn khoản chi phí nào do ngân sách nhà nước chi trả, khoản chi phí nào do các đương sự yêu cầu hòa giải, đối thoại chi trả sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời khiến các bên tranh chấp có trách nhiệm hơn trong quá trình hòa giải, đối thoại.
Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng ngày 25-5. Ảnh: Quochoi.vn
Mở rộng đối tượng, tăng thời gian nhiệm kỳ hòa giải viên
Về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, nên mở rộng đối tượng được bổ nhiệm, như nhóm đối tượng như trợ giúp viên pháp lý, cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành luật đã nghỉ hưu, nhằm thu hút đông đảo lực lượng hòa giải viên, tổng hợp chất xám, kinh nghiệm năng lực, sở trường của các nhóm đối tượng này góp phần giảm tải áp lực cho ngành tòa án.
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng cho rằng, nên cân nhắc mở rộng đối tượng là luật sư không nhất thiết phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, vì họ đã được đào tạo bài bản, đã được cọ xát trong quá tình tham gia tố tụng, tranh tụng trên nhiều lĩnh vực. Lý do là từ kinh nghiệm trong công tác thu hút cộng tác viên, trợ giúp viên pháp lý được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 kể từ khi có hiệu lực pháp luật đến nay việc thu hút cộng tác viên trợ giúp pháp lý rất khó khăn. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do bị ràng buộc về điều kiện bổ nhiệm nên có rất ít đối tượng tham gia.
Do đó, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị dự thảo Luật điều chỉnh lại như sau: đã là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên trước khi nghỉ hưu, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, cán bộ công chức, viên chức có chuyên ngành luật đã nghỉ hưu; chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư nếu có đủ điều kiện có thể được bổ nhiệm thành hòa giải viên.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng yêu cầu hòa giải viên phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm đối với nhóm đối tượng luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác như trong dự thảo Luật là quá cao. Nếu yêu cầu cao như vậy sẽ rất khó để có một đội ngũ hòa giải viên đa dạng. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, để có đội ngũ hòa giải viên chất lượng cao thì chỉ cần yêu cầu có 5 năm kinh nghiệm là đủ.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng quy định về nhiệm kỳ của hòa giải viên là ba năm như trong dự thảo Luật là quá ngắn, vì quy trình lựa chọn bổ nhiệm hòa giải viên được thực hiện khá kỹ lưỡng với tiêu chuẩn, yêu cầu khá cao. Cụ thể, việc lựa chọn được một hòa giải viên có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm, có kỹ năng hòa giải như trong dự thảo Luật quy định là không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, quy trình bổ nhiệm hòa giải viên rất chặt chẽ, được xét từ cơ sở và cuối cùng có quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công nhận và công bố ở ba cấp tòa án. Do đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh nâng nhiệm kỳ của hòa giải viên lên thành 5 năm.
Theo NDĐT