Đề nghị kéo dài thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài
(BDO)
Nhân viên Chi cục Hải quan Phú Quốc sử dụng máy soi để kiểm tra hành lý khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Phú Quốc. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị, không ra Nghị quyết riêng, mà chỉ cho kéo dài thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết; thời gian kéo dài là 2 năm kể từ 1/2/2019; nội dung thực hiện thí điểm vẫn theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. Đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có thể báo cáo Quốc hội xem xét.
Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Sau gần 2 năm tổ chức thực hiện, việc thí điểm đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Chính phủ đề nghị cần tiếp tục thực hiện thí điểm để có cơ sở đánh giá toàn diện tác động của chính sách trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay, Chính phủ quyết định thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân của 46 nước. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử có thể nhập cảnh Việt Nam tại 28 cửa khẩu quốc tế gồm 8 cửa khẩu đường không, 13 cửa khẩu đường bộ, 7 cửa khẩu đường biển.
Đánh giá tổng quát, Chính phủ thấy rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 là chủ trương đúng đắn. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước hiện nay.
Trên cơ sở kết quả tổng kết, Chính phủ xác định cần phải tiếp tục thực hiện thí điểm nhằm đánh giá một cách toàn diện hơn nữa tác động của chính sách này đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nghị quyết số 30/2016/QH14 của Quốc hội sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/1/2019, do đó, để bảo đảm hoạt động cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến đối ngoại.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là việc làm cần thiết, không chỉ mang lại lợi ích chung của quốc gia mà mục tiêu là tiếp tục phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La), qua 2 năm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài cho thấy đây
là chủ trương đúng đắn, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị trên các trang điện tử cần có chuyên mục tiếp nhận các ý kiến phản hồi, tăng cường tính tương tác trực tuyến giữa người nộp đơn với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời có mức độ đánh giá sự hài lòng của người nước ngoài với các thủ tục của cơ quan chức năng Việt Nam.
Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nhất trí và đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian 2 năm kể từ ngày 1/2/2019 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước thời gian kết thúc việc thí điểm. Nội dung này đề nghị Quốc hội cho quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6.
Trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm, Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị phân tích, làm rõ, đánh giá rõ những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài bằng thị thực điện tử đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta và định hướng giải pháp xử lý. Vì đây là lĩnh vực hoạt động rất nhạy cảm, phức tạp, khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia luôn trực tiếp, hiện hữu.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhất trí với đề nghị này của Ủy ban Quốc phòng An ninh, đồng thời cho biết, qua giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội cho thấy vấn đề lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp ở nước ta còn đang tồn tại. "Do đó phải làm rõ mối quan hệ của thực trạng này có liên quan đến công tác cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài hay không" - đại biểu Nhưỡng nói.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị rà soát danh sách các nước có công dân thuộc diện thí điểm cấp thị thực điện tử và danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử đã phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Vì theo báo cáo của Chính phủ, nhiều nước có rất ít công dân đề nghị cấp và nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử, thậm chí có nước không có công dân nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử; một số cửa khẩu được phép xuất cảnh, nhập cảnh bằng thị thực điện tử nhưng không có hoặc có rất ít công dân nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh. Mặt khác, có tình trạng công dân nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh không đúng cửa khẩu đã được duyệt khi cấp thị thực điện tử./.
Theo TTXVN