Để ngành du lịch phát triển xứng tầm

Thứ năm, ngày 16/03/2017

Những năm qua, Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp và đô thị. Sự tăng trưởng kinh tế cao của tỉnh đã giúp cho đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Khi nhu cầu vật chất được cải thiện, kèm theo đó là nhu cầu thụ hưởng tinh thần, trong đó không thể thiếu lĩnh vực du lịch. Khảo sát của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh vừa qua cho thấy, Bình Dương có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Bình Dương có sông, núi, văn hóa, tín ngưỡng… và những làng quê mộc mạc chưa chịu sự tác động nhiều của quá trình công nghiệp hóa.

(BDO)

Lễ hội chùa Bà tại Bình Dương đã trở thành điểm hẹn du lịch tâm linh thú vị cho người dân trong và ngoài tỉnh. Bình Dương đang nỗ lực tổ chức nhiều hơn các lễ hội, sự kiện văn hóa để góp phần quảng bá và giới thiệu hình ảnh đất và con người Bình Dương đến du khách trong và ngoài nước. Festival gốm sứ, lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng… và tới đây là Liên hoan đờn ca tài tử toàn quốc được tổ chức tại Bình Dương, tất cả nhằm mục đích đánh thức ngành du lịch tỉnh nhà phát triển đúng với tiềm năng vốn có của địa phương.

Đề án Phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn gắn liền với vườn cây đặc sản và làng nghề truyền thống của tỉnh đã chính thức khởi động từ nhiều năm nay. Sau nhãn hiệu tập thể măng cụt Lái Thiêu, làng sơn mài Tương Bình Hiệp được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…, nỗ lực hiện nay của Bình Dương chính là xây dựng nhiều hơn những sản phẩm du lịch. Tất cả đề án để ngành du lịch tỉnh nhà cất cánh sẽ không thành công nếu như không có sự tham gia tích cực của người dân.

Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, mục đích xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái ở Bình Dương chính là làm sao để người dân thụ hưởng mọi lợi ích từ đề án mang lại. Đề án chỉ có hiệu quả khi người dân hiểu mình cần làm gì để góp phần đưa du lịch sinh thái phát triển bền vững.

Qua những chuyến đi thực tế, chúng tôi thấy tại một số địa phương đang xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái như xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng), xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), phường Bình Nhâm (TX.Thuận An)… nhiều người dân còn “mù mờ” trong việc đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển. Nguyên nhân chính là do nhiều người còn chưa hiểu hết những hiệu quả mà Phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn gắn liền với vườn cây đặc sản và làng nghề truyền thống của tỉnh mang lại. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền của các cơ quan, ban ngành, địa phương tham gia xây dựng và thực hiện đề án này cần được tăng cường hơn nữa. Có thể nói, việc thay đổi ý thức, tư duy cách làm du lịch bền vững rất quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch của Bình Dương trong tương lai.

HOÀNG PHONG