Để mứt gừng Bình Nhâm thêm “nồng”
(BDO) Những ngày này, tiết trời ở Bình Nhâm, TX.Thuận An khô hanh khá khó chịu. Tuy vậy, trên các tuyến đường ở Bình Nhâm vẫn còn những kiểu nhà vườn kết hợp khiến những người đến đây có cảm giác dễ chịu hơn khi được hít thở không khí trong lành. Đặc biệt, đến đây vào dịp này mọi người còn có thể cảm nhận được không khí tết đang đến rất gần thông qua mùa mứt gừng tết.
Nôn nao hương vị tết
Theo những vị cao niên, ngày xưa vùng Lái Thiêu - Bình Nhâm vườn cây trái sum suê trĩu quả, nhiều đến nỗi ăn và bán cũng không hết, bỏ trái cây dư thừa thì ai cũng thấy uổng. Từ đó, người dân nơi đây mới sáng kiến ra cách sên mứt từ các loại trái cây để dùng lâu dài. Dần dần, với cách làm mứt độc đáo và được khách phương xa có dịp ghé qua mua về để làm quà nên nhiều gia đình ở Bình Nhâm bắt đầu gắn bó với nghề làm mứt. Sau đó, đủ các loại mứt thơm ngon ra đời, song cuối cùng mứt gừng lại đem đến cho người Bình Nhâm một thương hiệu riêng trên đất phương Nam.
Ông Chín Sang kiểm tra các thau gừng ngâm đường chờ tới ngày “no đường” để sên mứt Ảnh: PHÙNG HIẾU
TX.Thuận An là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị nhanh của cả tỉnh, nhưng riêng Bình Nhâm vẫn còn lưu giữ cái dáng vẻ đơn sơ, mộc mạc của làng quê truyền thống Nam bộ. Khu vực này tập trung nhiều nghề truyền thống, như làm heo đất, làm guốc mộc, làm thớt.... và không thể không kể đến nghề làm mứt gừng trứ danh.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tới nhà ông Chín Sang - gia đình có hàng chục năm gắn bó với nghề làm mứt gừng ở Bình Nhâm. Qua trưa, ngôi nhà của ông khá vắng vẻ, bởi các con của ông đều đã đi làm. Theo lời ông Chín Sang, tuy chưa tới Tết Nguyên đán nhưng cả tuần nay ông liên tục đi giao mứt gừng cho khách làm quà biếu. Bên hông nhà của ông, dưới cái nắng gắt hàng chục thau gừng trong giai đoạn “uống đường” tỏa hương thơm ngào ngạt. Ông Chín Sang cho hay, Tết Mậu Tuất 2018 gia đình ông bán ra thị trường gần 1,5 tấn mứt gừng, thu lời hơn 50 triệu đồng, đủ để gia đình có cái tết sum vầy, sung túc bên con cháu.
Ông Chín chia sẻ kinh nghiệm, để có một mẻ mứt ngon, người thợ đều làm theo một quy trình tuân thủ nhiều công đoạn. Cụ thể, sau khi lựa chọn kỹ củ gừng, người làm cạo bỏ vỏ rồi ngâm qua nước muối một đêm. Trước khi đem ngâm với nước chanh và phơi nắng cho trắng, người làm phải rửa sạch rồi xếp lên vỉ xăm. Sau công đoạn này, gừng cần được luộc cho bớt mùi cay nồng, rồi mới đến giai đoạn ướp đường cho thấm và đem sên trên bếp lửa. Những thau gừng được ngâm với đường cát trắng (còn gọi là cho gừng uống đường) cho đến khi lớp đường đóng thành màng mỏng trên củ gừng thì mới bắt đầu sên mứt. Thời điểm sên mứt vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch.
Theo ông Sang, mỗi cơ sở làm mứt gừng có bí quyết khác nhau để tạo ra một mẻ gừng chất lượng. Bí quyết đó nằm chính trong mỗi công đoạn từ lựa chọn củ gừng, sơ chế, cách xăm gừng, cho gừng “uống đường”... cho đến nhiệt độ lò để sên mứt. Làm mứt gừng đòi hỏi sự công phu, cầu kỳ thì sản phẩm mới ngon, thu hút khách hàng.
Ông Sang mời chúng tôi một miếng mứt gừng “ăn lấy thảo”. Trời ngả về chiều, gió thốc lên từ các con rạch làm chúng tôi có cảm giác lành lạnh. Ngậm một miếng mứt gừng, mùi hương cay nồng xông lên mũi, cảm giác ấm nồng từ mứt gừng tan ra, lan khắp cơ thể. Hương vị ngày tết làm chúng tôi nôn nao đến lạ!
Cần bảo tồn, phát triển nghề làm mứt
Theo các bậc cao niên, hàng chục năm trước là thời điểm cực thịnh của nghề làm mứt gừng ở Bình Nhâm. Từ tháng 8 âm lịch, người dân làm nghề này ở đây đã phải tìm mua gừng tươi, vì đây là thời điểm củ gừng vừa đúng độ, làm mứt sẽ không có xơ, lại dẻo. Củ gừng thu hoạch trước hoặc sau thời điểm này nếu đem làm mứt thì sẽ không đạt chất lượng như mong muốn. Cả một vùng quê yên bình bỗng rộn ràng tiếng nói cười và gọi nhau í ới. Ở đây, làm mứt không phải là công việc của riêng ai, nên già, trẻ, gái, trai ai nấy đều xắn tay vào việc, khiến cả làng vui còn hơn ngày hội.
Bà Tư Hạnh năm nay ngoài 70 tuổi, sống ở khu vực Chòm Sao - Suối Đờn, có chút tiếc nuối về thời vàng son của nghề làm mứt ở Bình Nhâm. Trong ký ức của bà, nghề làm mứt trai, gái ở đây ai cũng phải biết. Biết cách xăm gừng, sên gừng... cũng là cách để “nam thanh, nữ tú” trở nên “có giá” hơn khi có người tới dạm cưới hỏi. Miếng mứt gừng không thể thiếu trên bàn thờ cúng gia tiên vào mỗi dịp lễ, tết hay cúng đình làng. Đã có một thời người dân Bình Nhâm sống chung với gừng, nói chuyện toàn về mứt gừng... Thế nhưng, nghề làm mứt gừng hiện nay đang trên đà mai một.
Theo lãnh đạo UBND phường Bình Nhâm, với việc có nhiều công ty, xí nghiệp được mở ra trên địa bàn tỉnh, nam - nữ trong độ tuổi lao động tại địa phương hầu hết vào đây làm việc. Làm ở công ty vừa thu nhập khá vừa có công việc ổn định hơn là làm mứt gừng theo thời vụ. Hiện ở Bình Nhâm còn chưa tới chục hộ giữ nghề làm mứt gừng.
Chúng tôi ghé cơ sở làm mứt gừng của dì Năm Trang - một nghệ nhân làm mứt gừng rất nổi tiếng ở Bình Nhâm. Dì đã mất hơn hai năm nay, cơ sở làm mứt gừng hiện do người con trai là anh Long tiếp quản. Chị Oanh, vợ anh Long, cho biết hiện cơ sở không làm mứt nữa, chỉ nhận xăm gừng gia công cho những người có nhu cầu. Theo chị Oanh, mỗi năm chỉ được mùa mứt gừng vào dịp tết thì không thể lo nổi cuộc sống hàng ngày. Chính vì thế, hiện hai vợ chồng chị làm nghề kinh doanh mặt hàng khác, còn công việc gia công xăm gừng chị chỉ nhận vào dịp gần cuối năm.
Với gia đình ông Chín Sang cũng vậy. Mấy người con của ông không ai mặn mà với nghề làm mứt nữa. Chỉ còn mỗi mình ông đang cố gắng giữ gìn nghề truyền thống này.
Hiện Bình Dương đang triển khai Đề án Phát triển du lịch sinh thái gắn kết với vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống nhằm nỗ lực giữ gìn các làng nghề có hàng trăm năm tuổi của địa phương. Theo các chuyên gia, Bình Dương có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái và làng nghề, nhưng việc khai thác các loại hình du lịch vẫn còn nghèo cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng đã tạo nên sức ép rất lớn đối với môi trường. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp trực tiếp làm mất đi sự đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của tỉnh nói chung, du lịch sinh thái trên địa bàn nói riêng.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa làng nghềchính là thực hiện quan điểm phát triển du lịch bền vững dựa trên cơ sở góp phần vừa bảo tồn vừa phát huy tốt nhất mọi nguồn tài nguyên, thế mạnh vốn có của địa phương hiện nay cũng như trong tương lai. Bình Dương cần có chính sách cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả khai thác, phát triển du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống của tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, cho biết Đề án Phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái, làng nghề đang được địa phương thực hiện. Ở TX.Thuận An, với đặc thù có rất nhiều nghề truyền thống, nhưng theo xu hướng công nghiệp hóa, nhiều nghề, trong đó có nghề mứt gừng ở Bình Nhâm bị thu hẹp dần. Tuy vậy, hiện lãnh đạo thị xã xem việc bảo tồn và giữ gìn các làng nghề truyền thống là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa. Hiện thị xã đang chờ nguồn kinh phí để tiếp tục phát triển các mô hình du lịch làng nghề nhằm giúp các nghệ nhân, các hộ nông dân tăng thu nhập để yên tâm với nghề truyền thống tại địa phương.
Theo lãnh đạo TX.Thuận An, hiện nay công tác giáo dục, tuyên truyền bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống đang được TX.Thuận An quan tâm thực hiện. Cụ thể là hàng năm, các trường học trên địa bàn thị xã cũng thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan du lịch làng nghề tại địa phương để các em học sinh hiểu và yêu mến những nghề có hàng trăm năm tuổi mà lớp tiền nhân đi trước đã truyền lại…
PHÙNG HIẾU