Để mùa xuân thêm ấm áp

Thứ năm, ngày 04/01/2024

(BDO) Những ngày cuối năm rộn ràng, chúng tôi có dịp cùng Hội Nữ kháng chiến (NKC) TP.Thuận An đến thăm, tặng quà cho các NKC có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng cái nghĩa cái tình của những con người từng vào sinh ra tử vẫn keo sơn bền chắc, không gì phai mờ được. Tết này ấm hơn...

Trở lại thăm bà Lê Thị Lan ở phường An Thạnh, TP.Thuận An, tôi thật sự bất ngờ. Còn nhớ, 4 năm trước, tôi có dịp ghé thăm bà khi căn nhà tình nghĩa đang được xây dựng sắp hoàn thành. Nền sân trước nhà còn thấp lè tè so với mặt đường. Trong tâm trí tôi, không hình dung căn nhà của bà Lê Thị Lan hôm nay lại khang trang đến như vậy.

Tiếp chúng tôi, ngay đầu ngõ, bà Lê Thị Lan đã khoe đủ thứ. Nào là: “Sao? Thấy nhà cô đẹp không? Nhà thì mấy chị em NKC vận động địa phương, doanh nghiệp tặng. Còn cái sân này, con của cô được công ty cho mượn tiền rồi làm trả từ từ, cũng xong nợ rồi…”.

Hội NKC TP.Thuận An và đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, TP.Thuận An thăm, tặng quà cho bà Lê Thị Lan

Bà Lê Thị Lan là một cán bộ tham gia phong trào từ khi mới 16 tuổi. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Mỹ đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chúng đã liên tiếp mở các cuộc bình định, từ “bình định cấp tốc”, “bình định đặc biệt”, “bình định bổ sung”, đến “bình định phát triển”. Theo đó, chúng mở các cuộc hành quân càn quét, chà sát ngày càng ác liệt để chiếm lại các vùng giải phóng, thiết lập hệ thống kìm kẹp chặt chẽ từ cơ sở nhằm bóp nghẹt lực lượng cách mạng ta ở nông thôn.

Trong bối cảnh đó, với tôn chỉ: “Thà bắt lầm còn hơn bỏ sót”, bà Lê Thị Lan bị địch bắt vì bị lính chiêu hồi chỉ điểm. Cuối năm 1971, bà Lê Thị Lan được thả. Ra tù bà tiếp tục trở về địa phương hoạt động. Sau đó, bà được rút về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, rồi đến Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai…

Sau ngày giải phóng, bà được tổ chức tạo điều kiện cho đi học văn hóa. Tuy nhiên, thời điểm đó kinh tế gia đình bà quá khó khăn. Mẹ già không ai lo. Bà xin được nghỉ học để lo cho gia đình. Xin mãi chưa được tổ chức chấp nhận, bà bỏ học ngang giữa chừng trở về An Thạnh sinh sống, không một tờ giấy lận lưng. Bao nhiêu năm vật lộn với cơm áo gạo tiền, bà Lê Thị Lan cũng quên luôn việc phải làm lại giấy tờ...

“Có ai ngờ rằng, 42 năm sau ngày đất nước thống nhất, một cán bộ tham gia phong trào địa phương từ khi mới 16 tuổi, rồi thoát ly theo cách mạng, làm cán bộ Hội Phụ nữ huyện mà không có một mảnh giấy lận lưng. Căn nhà thì xiêu vẹo, trống trước trống sau mà không kiếm đâu ra tiền để sửa”, bà Nguyễn Thị Tư, Chủ tịch Hội NKC TP.Thuận An kể. Thế là mấy chị em trong Hội NKC TP.Thuận An bắt tay vào cuộc, tất tả làm giấy tờ cho bà Lê Thị Lan. 42 năm sau ngày đất nước thống nhất, bà Lan mới có được những giấy tờ tùy thân cần thiết. Chưa hết, lo giấy tờ xong, các chị trong hội lại lo tiếp nhà ở cho bà Lan để ổn định chỗ ở.

Hay cô Liên, ở phường An Thạnh cũng vậy. Ngày các cô trong Hội NKC TP.Thuận An đến thăm, cô rươm rướm nước mắt vì cảm động. Chỉ cánh tay đang bị bó bột vì té gãy, cô Liên xúc động nói: “Cả tháng nay, cái tay nó gãy đau nhức, ngứa ngáy khó chịu, cũng nhờ mấy chị chạy tới, chạy lui an ủi, động viên nên cũng cảm thấy ấm lòng. Chỉ mong chị em có sức khỏe để thăm nhau lúc tuổi già…”.

“Thời bom đạn chị em sống chết có nhau thì nay thời bình, cái nghĩa, cái tình ấy vẫn còn giữ mãi”, bà Nguyễn Thị Tư nói. Cứ vậy, mấy chị trong hội động viên, thăm hỏi, chăm lo lẫn nhau để hội thật sự luôn là “mái nhà chung” ấm áp, nghĩa tình của những NKC...

THU THẢO - DƯƠNG HUYỀN