Để ly hôn không làm hỏng con cái
Cha mẹ ly hôn là nỗi bất hạnh lớn đối với con trẻ. Có những trường hợp sau khi cha mẹ ly hôn, trẻ bị trầm cảm nặng, thậm chí rối loạn thần kinh. Đôi khi có em bắt đầu có những hành vi thô bạo hư hỏng ở trường. Làm thế nào để việc ly hôn không gây ra các chấn thương lớn cho con cái là vấn đề cha mẹ rất cần quan tâm.
Nếu cha hoặc mẹ là người không hoàn thành trách nhiệm với con, thường xuyên say rượu, đánh chửi con hay ham mê cờ bạc thì việc ly hôn sẽ không gây bất ngờ lớn cho đứa trẻ, thậm chí chúng còn tiếp nhận sự kiện đó một cách nhiệt tình. Một cô gái 12 tuổi chia sẻ với bạn: “Ông ấy luôn say rượu, thật kinh khiếp! Mẹ đã đưa đơn ly hôn”. Người cha đi khỏi gia đình, đứa con không luyến tiếc.
Đôi khi, tuy chưa ra tòa nhưng gia đình đã thực sự tan vỡ vì hai vợ chồng không sống cùng nhau. Dù đã quen với sự vắng mặt của một trong hai người nhưng đứa trẻ vẫn mong cha hoặc mẹ trở về. Những tin tức về cuộc ly hôn sắp xảy ra cướp đi hy vọng cuối cùng của nó.
Đa số trẻ em ở nước ta sau ly hôn thường sống với mẹ. Bạn đừng nghĩ đơn giản là con mình còn nhỏ không biết gì. Thực tế, chúng rất nhạy cảm với sự mất mát đó.
Không cần thiết phải nói dối một đứa trẻ. Khi người cha rời khỏi gia đình, nhiều bà mẹ hay nói dối con: “Bố đi công tác xa”. Điều này chỉ làm cho trẻ càng thêm mong đợi cha trở về và khi biết sự thật nó sẽ càng thất vọng hơn. Đứa trẻ rất hay hỏi: “Sao mãi ba không về?”, buộc mẹ phải tiếp tục nói dối nhiều hơn. Tốt nhất là nên chọn cơ hội thuận tiện nói sự thật cho con biết là bố không còn sống chung với chúng ta nữa.
Không nên kéo con về “phe” mình để chống lại cha chúng. Dù sao chồng cũ của bạn vẫn là cha của các con bạn. Đừng nói với con theo kiểu: “Ba là người xấu. Ông ấy đã lừa dối mẹ con mình”. Bạn nên giải thích vì không hòa hợp, cha mẹ không thể sống cùng nhau lâu hơn nữa. Nếu ly hôn vì người chồng có người khác, bạn nên nói thật với con: “Ba đã yêu một phụ nữ khác”. Bạn không nên nói cha chúng đã đi theo một kẻ chẳng ra gì. Tại sao cha lại yêu một người khác, một đứa trẻ chưa thể hiểu nổi, nhưng nói những điều xấu xa về cha chúng sẽ làm cho chúng mất niềm tin vào người sinh ra chúng và điều đó có thể gây ra vết thương tâm lý nghiêm trọng cho trẻ.
Cha chúng không biến mất mà vẫn là cha của chúng. “Tuy ba không sống cùng một nhà với chúng ta nhưng con vẫn có thể gặp và ba sẽ giúp đỡ, hỗ trợ các con khi cần thiết. Ba chỉ không thường xuyên sống với chúng ta thôi” - bạn nên giải thích với con như vậy.
Khuyên chồng cũ nên trò chuyện với con. Khi cha mẹ ly hôn, trẻ thường cảm thấy cô đơn và dễ tủi thân. Bạn đừng nói với con là ông ấy không tốt, không cần đến mẹ con mình nữa và chúng ta cũng không cần ông ấy. Điều đó chỉ làm đứa trẻ đau buồn hơn. Tốt nhất là hãy nói tuy không sống cùng nhau nhưng cha mẹ vẫn yêu con và con sẽ mãi mãi là một phần quan trọng trong cuộc sống của cha và mẹ.
Nếu đứa trẻ đau đớn đến suy sụp, bị rối loạn tâm lý, mất ngủ, kém ăn, thậm chí bỏ học hoặc bỏ nhà đi lang thang, bạn đừng trừng phạt trẻ mà cần thông cảm với nỗi đau của nó. Bạn có thể gặp chuyên viên tâm lý hay bác sĩ tâm thần hoặc một người thân nào đó có uy tín với trẻ để giúp con đối phó với thực tế. Đừng thụ động chờ thời gian xoa dịu vết thương lòng của trẻ nếu bạn thấy trẻ quá yếu đuối hoặc bắt đầu suy sụp. Nếu không, những chấn thương tâm lý đó có thể ảnh hưởng đến trọn cuộc đời của con bạn, cản trở chúng xây dựng gia đình hạnh phúc sau này.
Một nghiên cứu về ly hôn gần đây ở Mỹ cho thấy, trẻ em sau khi cha mẹ ly hôn chia thành hai dạng khác nhau. Một số bi quan, chán nản, học hành sa sút trong khi một số khác trở nên sớm hiểu biết, có nghị lực và yêu thương anh chị em của nó hơn, biết giúp đỡ cha hay mẹ nhiều hơn và khi trưởng thành có những thành công vượt bậc. Tương lai của đứa trẻ như thế nào phụ thuộc rất lớn vào cách ứng xử của người lớn để giúp trẻ vượt qua khó khăn.
Theo PNO