Để lễ hội mãi là một nét văn hóa đặc trưng…
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu vào dịp Rằm tháng giêng hàng năm là nét văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc trưng của người Hoa ở Bình Dương. Năm nay, Ban tổ chức (BTC) lễ hội của 4 bang người Hoa vẫn cố gắng để có một mùa lễ hội thành công.
(BDO)
Tấp nập khách hành hương đến chùa Bà Ảnh: Q.NHƯ
Như mọi năm, lượng khách hành hương về chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (phường Phú Cường, TP.TDM) đông dần từ giao thừa đến hết ngày Rằm tháng giêng. Sau đó, lượng khách vãn dần cho đến hết tháng giêng. Cao điểm là ngày rước cộ Bà với hàng trăm ngàn người tham gia. Đến chùa Bà những ngày này, chúng tôi ghi nhận một không khí làm việc tất bật và ai vào việc đó của các thành viên BTC, đại diện 4 bang người Hoa cũng như các nhân viên phục vụ.
Điều đáng quan tâm là, du khách đi hành hương cần cẩn trọng ở nơi đông người. BTC (khu vực phía trong sân chùa) luôn phân công một đội phát nhang (đã đốt) cho người hành hương. Thế nên, người đi lễ cần đến lấy nhang ở nơi này để khỏi bị “dịch vụ đốt nhang thuê” làm tiền! Khi vào chánh điện, mỗi người nên cầm 1 - 3 cây nhang, không nên thắp nhang quá nhiều gây khói, ngạt và dễ cháy nổ. Và một điều nữa là nhang cắm nhiều quá sẽ có một nhóm nhân viên túc trực để nhúng nước ngay sau đó. Người đi lễ đừng nên góp phần vào điều làm mất mỹ quan này. Chúng tôi đã gặp chị Nguyễn Thị Lành, du khách đến từ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chị xin đúng một cây nhang từ nhân viên của BTC, sau đó đứng lặng lẽ cầu nguyện rồi cắm nhang, “xin lộc” và mau chóng rời khỏi chánh điện. Theo chị, đi chùa lễ Phật hay đi miếu thờ trong dịp đầu năm là tùy vào cái tâm của mình, đừng chen lấn, xô đẩy bởi như thế không còn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Trưởng BTC lễ hội, ông Lý Lai Phát, Trưởng bang Phúc Kiến cho biết, năm nay, công tác trật tự trong mùa lễ hội Rằm tháng giêng được tăng cường. Trong khuôn viên chùa lắp đặt 8 camera. Lực lượng bảo vệ được hợp đồng với Công ty Vệ sĩ Đồng Tâm Hiệp Lực. Mỗi ca trực sẽ có 8 nhân viên, với 3 ca/ ngày. BTC còn thành lập các tổ vệ sinh, trang bị thêm bình chữa cháy, cấm bán chim phóng sinh trong sân chùa. Những ngày cao điểm sẽ sắp xếp bàn bán vé số, tránh tình trạng giật giọc, chèo kéo khách. Tính từ mùng một tết đến nay, chùa Bà (cũ) thu hút khoảng 5.000 - 10.000 khách hành hương mỗi ngày. Chùa Bà (mới) ở trung tâm thành phố mới du khách đến ít hơn nhưng cũng vài ngàn khách/ ngày. Lễ hội chùa Bà vẫn diễn ra với các nội dung chính kể cả phần lễ và phần hội như: Lễ thay áo cho Bà, các nghi thức cúng kiếng, đấu giá 9 lồng đèn và rước cộ Bà qua các trục đường ở chợ Thủ Dầu Một trước khi quay lại chùa. Năm nay, vẫn có hơn 40 đoàn lân sư rồng biểu diễn nghệ thuật và cùng đoàn rước cộ theo suốt hành trình.
BTC cũng cho biết thêm, số tiền đấu giá lồng đèn và tiền cúng chùa của khách hành hương sẽ dành làm việc từ thiện, khuyến học, tu sửa chùa, kinh phí tổ chức lễ hội.
Ông VƯƠNG VĨNH THẮNG, Trưởng bang Triều Châu, Phó ban tổ chức lễ hội chùa Bà Rằm tháng giêng : Chúng tôi luôn phối hợp tốt với chính quyền địa phương cũng như các ban ngành hữu quan khác như công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, các đoàn thể… để bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh và tiết kiệm. Năm nay, hành trình rước cộ Bà vẫn không thay đổi so với mọi năm. Ở chùa Bà của thành phố mới chúng tôi chưa tổ chức rước kiệu. Sau này khi dân cư đông hơn, sẽ tổ chức rước cộ Bà quanh thành phố mới vào ngày 9 tháng giêng hàng năm và đó sẽ là ngày truyền thống rước kiệu ở chùa Bà thành phố mới.
Năm nay, sáng 13 tháng giêng, chúng tôi đến thăm, chúc tết lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh tại tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh. Sáng 14 tháng giêng, đoàn sẽ đến thăm, chúc tết lãnh đạo UBND TP.TDM. Chúng tôi luôn ghi nhận và trân trọng sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo địa phương cùng các ban ngành đoàn thể đã giúp chúng tôi tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của người Hoa ở Bình Dương.
QUỲNH NHƯ