Để Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp không còn… “da beo”!
Trong khi hàng chục khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh được thành lập và đã đi vào hoạt động rất hiệu quả, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của địa phương thì KCN và khu tái định cư (TĐC) Tân Đông Hiệp B, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An sau gần 20 năm quy hoạch, trải qua 3 chủ đầu tư và hiện do Công ty TNHH Phú Mỹ tiếp quản, vẫn chưa thể hoàn thiện công tác giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng… Những tồn tại này đã khiến KCN Tân Đông Hiệp B cứ như tấm… “da beo”!
Căn nhà ọp ẹp của gia đình ông Đoàn Văn Sáu, một hộ dân chưa đạt được thỏa thuận đền bù trong trong KCN Tân Ðông Hiệp B
Ám ảnh sống… “treo”!
Theo quy hoạch được phê duyệt, KCN Tân Đông Hiệp B có tổng diện tích 164,12 ha và khu TĐC Tân Đông Hiệp có tổng diện tích 34,6 ha. Tính từ khi được phê duyệt vào năm 1997, đến nay đã ngót nghét 20 năm trôi qua nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thiện khâu giải tỏa đền bù, đẩy một số hộ dân trong vùng quy hoạch vào cảnh “sống treo” nhiều năm. Bà Đoàn Ngọc Hoài, đại diện cho hộ gia đình ông Đoàn Văn Sáu - hộ có gần 15.000m2 đất bao gồm thổ cư và nông nghiệp trong vùng quy hoạch chưa thỏa thuận được với chủ đầu tư, cho biết: “Gia đình xưa nay sống bằng nghề nông, thu nhập gắn với việc canh tác, sản xuất hoa màu, cây trái. Từ khi KCN này được triển khai, toàn bộ diện tích đất nói trên bị bỏ hoang, không thể canh tác, gây thiệt hại lớn đến thu nhập, đời sống của gia đình. Vài lần, chủ đầu tư có cử người xuống đàm phán, thỏa thuận đền bù nhưng lần thì áp giá đền bù không thỏa đáng, lần thì thỏa thuận xong rồi về, không có ý kiến phản hồi… Nhà cửa dột nát, không thể sửa sang, chúng tôi phải đi thuê nhà để ở! Bố tôi tuổi cao sức yếu, nhiều năm qua phải sống tạm bợ nên hiện đã lâm bệnh mà vẫn cứ phải mỏi mòn trông chờ…”.
Ông Đoàn Văn Sáu chỉ khu đất gần 15.000m2 của gia đình bị bỏ hoang gần 20 năm chỉ vì… quy hoạch “treo”!
Ngoài khu vực tiếp giáp quy hoạch đường Mỹ Phước - Tân Vạn (khu vực này sẽ xây dựng phương án riêng) mà theo chủ đầu tư khoảng 13 ha (đã đền bù được 1/3), hiện tại KCN và TĐC Tân Đông Hiệp B còn 11 hộ dân có diện tích 38.223,4m2 đất trong vùng quy hoạch chưa thỏa thuận đền bù được với chủ đầu tư. Chính vì thế, cụm từ “KCN … da beo” thường được dùng để chỉ KCN và TĐC Tân Đông Hiệp B, bởi hiện trạng giải phóng mặt bằng của nó. Bên cạnh tồn tại trong giải phóng mặt bằng, việc cấp TĐC và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại dự án này cũng rất chậm. Trước đó, UBND tỉnh đã ấn định hết quý 1 năm 2013 là thời điểm mà chủ đầu tư phải giải quyết xong tồn đọng việc cấp sổ đỏ TĐC cho người dân, nhưng đến nay việc cấp sổ đỏ vẫn chưa được chủ đầu tư hoàn thiện.
Xử lý dứt điểm tồn tại
Trước những tồn tại của dự án kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TX.Dĩ An và chủ đầu tư là Công ty TNHH Phú Mỹ tìm phương án để xử lý dứt điểm. Mới đây, sau khi phối hợp với chủ đầu tư xây dựng phương án đền bù, giải tỏa, UBND TX.Dĩ An đã tổ chức họp dân, công khai phương án. Theo đó, đơn giá đền bù đất được căn cứ theo đơn giá của dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đã được UBND tỉnh phê duyệt) và cộng thêm 20% yếu tố trượt giá. Như vậy, đơn giá đền bù cho mỗi mét vuông đất là 768.000 đồng với các thửa đất ở vị trí số 1 và 672.000 đồng đối với mỗi mét vuông đất ở vị trí số 2 (tất cả các thửa đất của 11 hộ dân nói trên đều nằm ở vị trí 1 và 2). Đối với chính sách TĐC, người dân ngoài việc nhận đền bù theo đơn giá sẽ được cấp 12% diện tích TĐC/tổng diện đất nông nghiệp bị thu hồi; với diện tích đất thổ cư, người dân sau khi được đền bù theo đơn giá, trong trường hợp có 300m2 sẽ được chủ đầu tư hoàn trả 100% diện tích TĐC (ví dụ người dân có 300m2 đất thổ cư sẽ được nhận lại 300m2 TĐC) và cộng thêm 25% diện tích TĐC/ tổng diện tích đất thổ cư bị thu hồi; dưới 300m2 sẽ được nhận 1 suất TĐC từ 100 - 150m2 và cộng thêm 25% diện tích TĐC/tổng diện tích đất thổ cư bị thu hồi. Ngoài ra, với các loại tài sản gắn liền trên đất bị thu hồi, người dân sẽ được đền bù theo Quyết định số 58/2011/QĐ-UBND ngày 19- 12-2011 của UBND tỉnh Bình Dương về đơn giá bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình kiến trúc, cây trái và hoa màu trên đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương…
Tại buổi công khai phương án bồi thường, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An Võ Văn Giàu, cho biết đây là phương án tối ưu mà chính quyền đã rất nỗ lực để làm việc với chủ đầu tư. Phương án này đã nâng cao thêm mức bồi thường cho người dân và đồng thời chủ đầu tư có thể chấp nhận được. Cũng theo ông Giàu, sau khi công khai phương án đền bù, UBND thị xã sẽ ghi nhận những ý kiến phản hồi từ người dân trong diện giải tỏa, đệ trình lên UBND tỉnh xem xét đưa ra quyết định chính thức mới đem ra áp dụng để tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, xử lý dứt điểm những tồn tại ở dự án KCN và TĐC này.
Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An VÕ VĂN GIÀU: “Tháng 6 này phải làm xong…”
Ngán ngẩm trước tình trạng sống “treo” hơn chục năm liền, các hộ dân còn lại trong vùng quy hoạch đề nghị chủ đầu tư phải chốt được thời điểm hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa. Trấn an băn khoăn này của người dân, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An Võ Văn Giàu cho biết những tồn tại của dự án đã kéo dài nhiều năm liền, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho UBND TX.Dĩ An và chủ đầu tư phải xử lý dứt điểm. Sau khi công khai phương án đền bù, ghi nhận ý kiến phản hồi từ người dân, UBND TX.Dĩ An sẽ trình lên UBND tỉnh để ra quyết định. Trên cơ sở đó, UBND TX.Dĩ An sẽ yêu cầu, giám sát chủ đầu tư thực hiện giải quyết các tồn đọng. “Tháng 6 này phải làm xong…”, ông Giàu nói.
Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An Võ Văn Giàu cũng đề nghị chủ đầu tư là Công ty TNHH Phú Mỹ phải lên phương án chuẩn bị kinh phí để khi có quyết định chính thức, nhanh chóng áp giá, thực hiện đền bù cho người dân; đồng thời tập trung đầu tư hoàn thiện khu TĐC để bàn giao đất TĐC cho người dân khi thực hiện giải tỏa. Đối với các trường hợp hộ dân yêu cầu đo lại đất và kiểm kê tài sản, ông Giàu cũng chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên - Môi trường, tổ chuyên viên thực hiện đo đạc, kiểm kê để đẩy nhanh việc áp giá đền bù.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ VÕ TƯƠNG LAI: “Mong người dân hợp tác để KCN sớm hoàn thiện…”
Trước phương án đền bù nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại ở dự án KCN và TĐC Tân Đông Hiệp B được UBND TX.Dĩ An công khai, các hộ dân thuộc diện giải tỏa cho biết sẽ xem xét và có ý kiến phản hồi đến UBND TX.Dĩ An sớm nhất. Trong buổi tiếp xúc với chính quyền mới đây, đại diện hộ bà Lê Ngọc Sương phản ánh khu TĐC hiện vẫn chưa bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nếu nhận đất xây nhà thì cuộc sống của các hộ TĐC sẽ không ổn định vì điện, nước, đường sá một số khu vực hiện vẫn chưa có. Do vậy, các hộ dân yêu cầu chủ đầu tư khi giao đất TĐC phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh tình trạng nhận TĐC trên giấy như đã từng xảy ra ở dự án này; đồng thời phải bảo đảm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để người dân có thể làm nhà và ổn định cuộc sống nơi ở mới.
Trước các ý kiến phản hồi của người dân, ông Võ Tương Lai, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ, đơn vị chủ đầu tư dự án, cho rằng khu TĐC hiện tại chưa hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thoát nước thải và trục đường chính là do còn vướng mặt bằng chưa giải tỏa. Công ty mong muốn các hộ dân hợp tác, nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng để công ty có thể thi công đầu tư hoàn thiện hạ tầng…
ĐÀM THANH (ghi)
THÀNH SƠN