Để khởi nghiệp thành công: Cần có định hướng rõ ràng
(BDO) Với các chính sách khuyến khích khởi nghiệp đã được Nhà nước ban hành trong thời gian qua là điều kiện để hoạt động khởi nghiệp được đẩy mạnh trong cả nước, nhất là đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên, việc chọn lĩnh vực nào để khởi nghiệp và khởi nghiệp như thế nào là câu hỏi lớn đang được đặt ra.
Một mô hình trồng nấm ở huyện Bàu Bàng. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Mới nhưng không lạ
Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị và nông nghiệp sạch đang được triển khai rộng khắp trong cả nước. Tại Bình Dương, các khu nông nghiệp và các mô hình ứng dụng công nghệ cao đang triển khai đã phát huy hiệu quả; tỉnh cũng đã ban hành các chính sách về nông nghiệp, nhất là nông nghiệp kỹ thuật cao. Đây có thể nói là điều kiện “đủ” để khởi nghiệp từ nông nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho rằng, trong Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ ban hành có cụm từ “khởi nghiệp sáng tạo”, điều đó cho thấy, bên cạnh khởi nghiệp truyền thống thì Nhà nước đang rất quan tâm tới việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) nhằm tạo ra những sản phẩm giá trị cao, cạnh tranh tốt. Do đó, việc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phải có tính đột phá, tuy là mô hình cũ nhưng phải có quy trình, kế hoạch rõ ràng.
Anh Võ Thế Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Nguyên Phúc (huyện Bàu Bàng) chia sẻ, điểm mạnh của khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp là hầu hết các gia đình trên địa bàn đều có quỹ đất sản xuất, chỉ cần đầu tư vốn làm trang trại, mua giống… Muốn làm nông nghiệp một cách bài bản, các bạn trẻ phải nghiên cứu xem thị trường có nhu cầu hay không, sản phẩm có khác biệt không. Có như vậy mới thành công.
Các chuyên gia cho rằng, việc khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp không nhất thiết phải tập trung vào việc sản xuất trực tiếp nông sản, mà có thể khởi nghiệp từ các mô hình có liên quan đến nông nghiệp như xây dựng xưởng sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; sản xuất thức ăn chăn nuôi; cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo quản nông sản…
Phải biết ứng dụng khoa học - công nghệ
Với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp cũng đang tiến tới mô hình nông nghiệp 4.0. Trong đó, việc áp dụng KHCN vào sản xuất là yếu tố không thể thiếu - đây cũng là yếu tố dẫn đến thành công của việc khởi nghiệp.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, thế giới đang muốn có một nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng. Đứng trước xu hướng này, nhiều bạn trẻ đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp rất khả thi nhưng lại rất thuần nông, chưa biết ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào trong canh tác. Khi giới thiệu sản phẩm của mình tại các phiên chợ thì mang sản phẩm có cả rễ và đất với mục đích để mọi người kiểm định là đất trồng an toàn. Do đó, ngoài học hỏi các phương pháp canh tác từ các chuyên gia thì việc áp dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất là rất cần thiết.
Anh Nguyên chia sẻ thêm, việc trồng nấm đã được triển khai trên địa bàn tỉnh từ lâu. Mặc dù vậy, khi triển khai trồng nấm, anh vẫn mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học mới, từ việc làm phôi nấm, meo nấm cho đến trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm. Có như vậy mới tạo ra được một quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát được từng khâu sản xuất và minh chứng được cho khách hàng là sản phẩm của anh là sạch, bảo đảm chất lượng.
“Khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp thật sự rất gian nan, vì thế muốn thành công phải có định hướng rõ ràng, phải biết điểm mạnh và điều kiện của mình là gì, chứ đừng có chạy theo phong trào. Phải biết lựa chọn công nghệ phù hợp, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như phát huy hết khả năng của mình”, anh Nguyên nói.
HOÀNG PHẠM