Để hàng Việt vươn xa
(BDO) Hàng Việt đang ngày càng được khách hàng trong nước ưa chuộng. Tuy vậy, theo đánh giá để hàng hóa sản xuất trong nước chiếm lĩnh thị trường thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó hai yếu tố chất lượng và thương hiệu cần được đặt lên hàng đầu.
Chủ động đưa hàng Việt vươn xa
Ghi nhận cho thấy, hiện nay số lượng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh sản xuất đã có mặt phổ biến trên thị trường, từ các chợ truyền thống cho đến siêu thị. Chị Nguyễn Thị Mai, ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết mấy năm trở lại đây chị thường chọn mua các sản phẩm sản xuất trong nước về sử dụng. Theo chị Mai, hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ngày càng được cải tiến về chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh nên người tiêu dùng ngày càng thích mua hàng Việt.
Đại diện nhiều doanh nghiệp trong nước cho biết họ đã và đang rất nỗ lực cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để có thể xây dựng thương hiệu, chữ tín trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Bởi sự ủng hộ tại thị trường nội địa chính là cơ hội để các doanh nghiệp duy trì, phát triển và mở rộng ra các thị trường mới.
Ông Nguyễn Văn Lộc (giữa), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tìm hiểu gian hàng của Công ty dược Vũ Nhật Nam trưng bày tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh. Ảnh: XUÂN THI
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các chương trình đưa hàng về nông thôn; chủ động bán hàng giá gốc cho cán bộ, công nhân viên trong công ty giúp người lao động mua và sử dụng được những sản phẩm tốt của chính công ty mình sản xuất, điển hình như Công ty may 3/2, Công ty thực phẩm Uni Presiden, Công ty P&G… Ngoài sự nỗ lực tiếp thị sản phẩm của doanh nghiệp, về phía nhà quản lý luôn tạo điều kiện cho người dân được mua sắm hàng hóa chính hãng, đồng thời giúp doanh nghiệp có được điểm phân phối hàng Việt hiệu quả.
Bình Dương đã triển khai thành công các điểm bán hàng Việt trên địa bàn, nổi bật là chương trình hàng Việt về nông thôn, phiên chợ công nhân, phiên chợ nông sản an toàn... ở các khu, cụm công nghiệp. Từ đó, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trong tỉnh như sơn mài Tư Bốn, mật ong, hoa rừng Bình Dương, gốm sứ Cường Phát... được người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh, thành khác biết đến, chọn mua.
Lấy chất lượng làm nền tảng
Hiện các doanh nghiệp của Bình Dương đang từng bước khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường nội địa. Số liệu thống kế của ngành chức năng mới đây cho thấy con số 90% sản phẩm tại các siêu thị trong cả nước là hàng Việt Nam, trong đó có nhiều sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Bình Dương là một minh chứng rõ nét về điều này.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, cho biết tỷ lệ hàng Việt Nam tại siêu thị hiện chiếm trên 90%. Đây là con số sẽ khó đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục và nhận được sự tin tưởng, lựa chọn của người tiêu dùng. Con số này cũng là minh chứng cho thấy trong thời gian qua, cuộc vận động đã thực sự tạo được những chuyển biến lớn trong tâm lý, thói quen tiêu dùng của người dân Bình Dương.
Mặc dù vậy, thực tế không thể phủ nhận, sự xâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang khiến doanh nghiệp trong nước đối mặt với không ít khó khăn. Giới chuyên gia nhận định, với sự nổi trội về mẫu mã, hình thức và cả chất lượng, các sản phẩm hàng hóa đến từ Nhật Bản, Thái Lan thực sự là những đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, để hàng Việt thực sự được mọi người tin dùng, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải đặt chất lượng lên hàng đầu.
Là một trong những doanh nghiệp đồng hành cùng cuộc vận động từ nhiều năm nay, ông Lư Vương Vũ, Giám đốc Công ty dược Vũ Nhật Nam (TX.Tân Uyên), chia sẻ để có thể thay đổi tâm lý, tư duy của người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp phải đem đến khách hàng những sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Muốn vậy, doanh nghiệp phải làm ra sản phẩm có chất lượng với giá thành hợp lý, qua đó làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng: Bỏ tư tưởng sính ngoại, yêu và tin dùng hàng Việt.
Theo ông Vũ, hiện nay không chỉ chinh phục người Việt bằng uy tín, thương hiệu, các doanh nghiệp Việt còn phải tạo sự tin yêu cho người tiêu dùng bằng chính thái độ phục vụ.
Còn ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vinamit, cho rằng khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực nhiều dòng thuế nhập khẩu về bằng 0% sẽ tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu. Bởi vậy, để hàng Việt không bị hàng ngoại cùng chủng loại lấn lướt, doanh nghiệp trong nước cần từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học - công nghệ, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh khi nền kinh tế đất nước đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Nhận định về những chuyển biến của các doanh nghiệp Việt Nam trong 10 năm qua, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho rằng trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hàng Việt muốn giữ vững được thị trường cũng như giữ được niềm tin của người tiêu dùng cần phải có sự cố gắng rất lớn. Thực tế, trên thị trường hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp có tư duy ăn xổi, với tư duy này sẽ khó có thể phát triển bền vững và sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng với hàng hóa trong nước. Để giữ được niềm tin của người tiêu dùng trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuyển dần cạnh tranh về chất lượng, hướng đến chất lượng quốc tế. Có như vậy doanh nghiệp trong nước mới ngày càng chiếm được lòng tin vững chắc của người tiêu dùng. |
THANH HỒNG