Để hàng Việt lan tỏa trên thị trường
(BDO) Hàng Việt đang ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Với nhiều người, việc mua sắm, sử dụng hàng Việt dần trở thành thói quen; nhiều thương hiệu hàng Việt đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: TIỂU MY
Người dân tin dùng hàng Việt
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết thời gian qua chị luôn ưu tiên chọn mua hàng Việt vì sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, có nguồn gốc rõ ràng. Về kênh mua sắm, siêu thị là nơi chị thường đến nhất, kế đến là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa. “Thời gian gần đây, các cửa hàng tạp hóa hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có xu hướng trưng bày hiện đại như siêu thị mini nhưng giá bán lại bình dân. Cách thay đổi này đang được nhiều người dân ủng hộ”, chị Vân nói.
Với chợ truyền thống, hiện nay tuy có giảm vị thế so với trước đây nhưng kênh này vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống. Đối với kênh mua sắm trực tuyến đang ngày càng phát triển, cho thấy xu hướng mua sắm online ngày một khởi sắc. Tuy nhiên, vấn đề người tiêu dùng chưa an tâm hiện nay là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn bày bán trên thị trường.
Ở khía cạnh khác, anh Lê Văn Dũng, ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, chia sẻ là người Việt tất nhiên anh vẫn ưu tiên chọn hàng Việt khi mua sắm, song điều anh băn khuăn là một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút khách hàng vì mẫu mã chưa phong phú, đa dạng; cách tiếp thị, chăm sóc khách hàng của một số doanh nghiệp chưa tốt… Anh mong muốn các doanh nghiệp Việt tăng cường kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng… để giữ chân khách hàng và mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện nay sản phẩm hàng hóa Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hệ thống siêu thị trong tỉnh. Hàng hóa của doanh nghiệp trong nước từng bước chiếm được thị phần và đã tạo được sự tin cậy đối với người dân về chất lượng, mẫu mã, giá cả... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 106 chợ truyền thống (phần lớn bán hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất), 7 siêu thị với hơn 80% quầy bán hàng Việt. Nhiều doanh nghiệp ngày càng quan tâm xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn; chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành và tác động đến xu hướng sử dụng hàng Việt của người dân.
Nỗ lực từ doanh nghiệp
Theo ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty Nghệ Năng, sản phẩm muốn chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước, có chỗ đứng vững chắc trong tâm trí khách hàng trước hết cần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Hiện công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp… để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty giày Nam Bình, thông tin hiện nay công ty rất chú trọng đến thị trường trong nước. Trên thực tế, sản phẩm của công ty bán tại thị trường trong nước chiếm đến 70% tổng sản phẩm của đơn vị. Để nắm bắt cơ hội và mở rộng thị trường, công ty luôn quan tâm nắm bắt thị hiếu và thay đổi theo chuẩn mức đánh giá chung của người tiêu dùng. Công ty cũng luôn nâng cao trình độ quản lý, đồng thời thay đổi thiết bị và công nghệ theo xu hướng mới, bảo đảm sản lượng và chất lượng sản phẩm cao hơn.
Điều ông Vũ lo lắng hiện nay là thị trường trong nước các sản phẩm nhái, vi phạm bản quyền các thương hiệu… còn được bày bán nhiều nơi. Đặc biệt, hiện nay có không ít cơ sở gia công nhỏ lẻ sản xuất hàng hóa nhái một số nhãn hiệu, chất lượng thấp làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng Việt, cụ thể là hàng giày dép. Ông mong muốn ngành quản lý thị trường phối hợp với chính quyền địa phương xử lý tận gốc các cơ sở này để tạo niềm tin với người dân về hàng Việt.
Về vấn đề nói trên, ông Trần Văn Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cho biết đơn vị đã và đang rất nỗ lực kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất của ngành quản lý thị trường hiện nay là chỉ kiểm tra khi có cơ sở như đơn tố giác của doanh nghiệp bị nhái nhãn mác hàng hóa. Trong khi đó, hiện nay các doanh nghiệp bị làm nhái sản phẩm lại sợ ảnh hưởng đến uy tín của nhãn hiệu mình nên rất hiếm khi làm đơn tố giác. Ông mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần hợp tác tốt với ngành quản lý thị trường để bảo vệ nhãn hiệu của mình, góp phần minh bạch thị trường hàng hóa.
TIỂU MY