Để hàng Việt “đến gần” người lao động

Thứ ba, ngày 25/11/2014

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã đánh thức sự quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với hàng Việt nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay hàng Việt đến với công nhân lao động vẫn còn hạn chế...

(BDO)

 

Một đoạn đường bày bán những loại quần áo đủ nhãn mác Ảnh: Đ.T

 Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi đến một hội chợ vừa được tổ chức ở TX.Dĩ An để ghi nhận tình hình mua sắm của công nhân. Tại đây, vào buổi tối từng tốp nam, nữ công nhân kéo nhau đến hội chợ để mua sắm khiến quang cảnh hội chợ những ngày cuối năm càng thêm đông vui. Hội chợ bày bán nhiều mặt hàng khá phong phú và đa dạng mẫu mã từ cao cấp đến bình dân; nhãn hiệu trong nước, ngoài nước đều có đủ từ quần áo, giày dép, thắt lưng, kẹp tóc... “Đến hội chợ mua đồ giá tương đối phù hợp với túi tiền người lao động xa quê; mẫu mã cũng đa dạng, giá rẻ nhưng nhãn mác và xuất xứ quần áo thường không rõ ràng”, bạn Tuyên cho biết.

Đến một số chợ đêm ở An Bình, Mỹ Phước và dọc theo một số tuyến đường ở KCN Sóng Thần, các tiểu thương bày bán đa dạng những mặt hàng thời trang. Ở những nơi này tiểu thương bán nhiều hàng với mẫu mã mới, giá cả tương đối phù hợp với công nhân lao động nhưng người mua kỹtính sẽ dễ hoang mang về xuất xứ của hàng hóa, bởi hầu hết người bán đều giới thiệu đó là hàng Việt Nam nhưng một vài người lại bảo “đây là hàng có xuất xứ nước ngoài chứ hàng Việt Nam thường có giá cao hơn, không rẻ như vậy”.

Tại những chợ có đông công nhân thì hàng ngoại luôn “lấn sân” hàng nội. Quần áo, giày dép được đổ thành đống để khách hàng lựa chọn. Giày, dép mang nhãn mác Tàu, Tây; còn quần áo thì không có nhãn mác. “Chủ hàng ở các chợ có đông công nhân thường lấy hàng từng kiện về phân loại để bán, giá cả tùy theo mẫu”, một tiểu thương bộc bạch. Tại chợ An Bình, dọc tuyến đường quần áo, giày dép từ trẻ sơ sinh đến người lớn được các tiểu thương trưng bày rất bắt mắt. Qua quan sát của chúng tôi tại những chợ có đông công nhân, quần áo nơi đây có nhãn mác và xuất xứ cũng không rõ ràng. “Hàng Việt giá còn cao quá, áo nam dài tay có giá không dưới 200.000 đồng, có loại giá hơn 1 triệu đồng/cái. Khiếp quá!”, chị Tâm, công nhân Công ty Hung Cheng lắc đầu. Với giá cả cao như vậy một số thương hiệu của hàng Việt chỉ để phục vụ cho những thanh niên giàu có muốn thể hiện “đẳng cấp” của mình.

Bình Dương hiện có hơn 850.000 công nhân lao động, trong số đó hơn 60% là lao động ngoài tỉnh. Nhu cầu mua sắm trong sinh hoạt của mỗi công nhân là khá nhiều. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Qua 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã để lại nhiều dấu ấn cùng kết quả to lớn. Năm 2010, từ 4 doanh nghiệp với 12 điểm bán hàng, đến nay tăng lên 12 doanh nghiệp với 85 điểm bán hàng trên toàn tỉnh. Trong thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp thực hiện các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho thanh niên công nhân, người lao động có cơ hội sử dụng hàng Việt. Trung bình mỗi phiên chợ có 30 doanh nghiệp tham gia với khoảng 50 gian hàng, chủ yếu là các mặt hàng như lương thực thực phẩm, hàng gia dụng, hàng tiêu dùng, hàng điện tử… Bên cạnh đó, công tác tổ chức hội chợ triển lãm, khuyến mãi cũng được chú trọng góp phần thực hiện tuyên truyền “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Riêng trong năm 2014, tỉnh đã tổ chức 10 phiên chợ, thu hút khá đông công nhân lao động và người tiêu dùng đến tham quan mua sắm.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua một số công nhân lao động vẫn chưa “mặn mà” với hàng Việt! Trả lời câu hỏi, nhiều người cho rằng giá cả một số loại hàng Việt còn khá cao so với hàng ngoại. Hơn nữa tâm lý của nhiều người chưa đánh giá cao hàng nội, người lao động nhìn thấy hàng ngoại giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp là mua. Mặc dù trong thời gian gần đây, nhiều công nhân lao động rất đồng tình chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng quả thật, công nhân suốt ngày quần quật bên cỗ máy, về đến phòng trọ là nghỉ ngơi nên những thông tin quảng bá hàng Việt còn xa vời với nhiều công nhân lao động.

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến gần người lao động, cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn trong công nhân lao động. Về phía doanh nghiệp cần có những chính sách khuyến khích, đưa hàng đến với người lao động thì hàng Việt mới được người lao động ưu tiên lựa chọn.

 ĐỖ TUÂN