Để giảm tình trạng “bạo lực học đường”: Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Thứ hai, ngày 29/03/2010

Thời gian gần đây, những clip bạo lực của các nữ sinh liên tục được tung lên mạng đã gây hoang mang và sửng sốt trong xã hội. Những hành động mà theo nhiều người là “dã man” này đang là một hồi chuông báo động về nạn bạo lực chốn học đường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Qua đó, chúng ta cũng nhận thấy xã hội đang ngày càng có nhiều tội phạm trẻ, không chỉ có những trẻ em lang thang, thiếu giáo dục mới phạm tội, mà có rất nhiều hành động bạo lực, trái pháp luật đã xảy ra mà hung thủ là những học sinh (HS) còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Người ta thường đổ lỗi cho việc giới trẻ phạm tội là do sự quản lý, giáo dục lỏng lẻo, thiếu sự kết hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng trên thực tế thì ngay cả khi, sự kết hợp đó vẫn có, nhưng những cá nhân có xu hướng suy nghĩ lệch lạc, đua đòi, thích tự do, ăn chơi, hưởng lạc... đều có thể dẫn đến phạm tội. Thậm chí có những trường hợp tội phạm là những người xuất thân từ gia đình nề nếp, bố mẹ là người làm ăn lương thiện, có cuộc sống vật chất đầy đủ, không phải bon chen, nhưng họ vẫn thích đi cướp giật và hành hung người khác.

Khi clip nữ sinh đánh nhau tại Hà Nội đang gây xôn xao dư luận thì tại Bình Dương một đoạn phim quay bằng điện thoại cảnh HS đánh nhau và chửi thề hết sức phản cảm tại trường THPT Bình Phú cũng đang gây hoang mang cho nhiều người. Không chỉ có nữ sinh trường Bình Phú, một số trường khác trong tỉnh cũng đang không thiếu những cảnh này. Chị Nguyễn Thị H., một người dân nhà ở gần trường THCS Nguyễn Văn Tiết, huyện Thuận An kể lại: “Mấy đứa HS nữ của trường này cũng hay đánh nhau lắm. Mới hôm nọ đây, khi đang bán hàng thì tôi chứng kiến một số HS nữ đang vừa chửi bới vừa lao vào nhau. Tôi chạy ra can thì chúng chỉ vào mặt tôi bảo: “Chuyện của tụi tui để tụi tui tự xử, không liên quan gì đến bà”. Thậm chí mấy đứa cùng trường thấy đánh nhau còn hùa vào cổ vũ, hò reo inh ỏi nữa. Tôi cũng đành bó tay với chúng nó”.

Thật đáng lo ngại khi tình trạng vô cảm này đang ngày càng phổ biến. Nhiều em đang sống rất thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Khi chứng kiến một cảnh bạn bè mình đánh nhau như vậy, đa số các em chọn giải pháp “mặc kệ” hoặc “sống chết mặc bây” mà không có một chính kiến nào. Chính vì thế mà trong mỗi gia đình, ngoài việc các bậc phụ huynh cần gương mẫu cho con cái thì trong nhà trường cũng cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tăng cường các nội dung giáo dục về kỹ năng sống cho HS. Cần dạy cho HS đức tính biết hy sinh vì người khác, biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự công bằng...

Bạo lực trẻ em ở đâu cũng có. Nếu giáo viên tâm lý hơn một chút cũng dễ phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tiếc rằng giáo viên chỉ được chuẩn bị để dạy chữ. Các phòng xã hội, phòng tham vấn tâm lý học đường đã góp phần không nhỏ vào việc làm giảm bớt nạn bỏ học và các vấn đề (tệ nạn) xã hội học đường. Tiếc rằng, những trường có cơ chế này còn quá ít. Chủ trương đã có, nhưng sự phát triển của cơ chế này còn quá chậm.

Nhìn nhận về vấn đề bạo lực học đường đang diễn ra trong thời gian gần đây, ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Sau khi nghe một số thông tin về việc HS trường THPT Bình Phú đánh nhau, sở đã cử người xuống làm việc với trường để nắm thêm thông tin và có hướng xử lý để chấn chỉnh kịp thời. Trước nạn bạo lực học đường đang ngày một gia tăng ở khắp nơi, trong đó Bình Dương cũng không ngoại lệ, trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ có biên bản để lưu ý và kết hợp với các trường chấn chỉnh đồng thời giáo dục cho các em về vấn đề này để hạn chế những tình trạng tương tự xảy ra”.

NGỌC THANH