Để đưa Chỉ số PCI trở lại top đầu
(BDO)
Chỉ số thành phần PCI về cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là điểm sáng của Bình Dương. Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn qua TP.Dĩ An là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ đắc lực cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Cơ sở hạ tầng tiếp tục là thế mạnh
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, Chỉ số PCI của tỉnh đạt 65,13 điểm (giảm 4,48 điểm), xếp thứ 36/63 tỉnh, thành trên cả nước (giảm 30 bậc so với năm 2021). Nguyên nhân do ảnh hưởng nặng nề từ các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 kéo dài. Bên cạnh đó, với đặc thù là địa phương lấy công nghiệp làm nền tảng của nền kinh tế, một khi diễn biến phức tạp của kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục kéo dài như suốt 2 năm qua, doanh nghiệp (DN) là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, yêu cầu các sở ngành, địa phương, đơn vị nỗ lực chung tay nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bình Dương vẫn có những điểm sáng, như: Cơ sở hạ tầng tiếp tục là thế mạnh của tỉnh, đứng vị trí thứ 3 cả nước sau tỉnh Quảng Ninh và TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng nằm trong nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ DN FDI có dự án mở rộng SXKD cao nhất và xếp thứ 20 cả nước. Với mục tiêu khắc phục những điểm còn hạn chế, duy trì và phát huy những điểm mạnh vốn có nhằm nâng cao Chỉ số PCI, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
UBND tỉnh yêu cầu triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ đầu vào tại bộ phận “một cửa” các cấp theo quy định của Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6-12-2021 của Chính phủ; bảo đảm số hóa 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đưa kết quả số hóa vào kho dữ liệu số hóa để tái sử dụng và phục vụ nhu cầu quản lý của tỉnh; không yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa; triển khai vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, cấp huyện, đường dây nóng 1022, tổng đài 19001006/ 19009000… |
Nhiều giải pháp
Để đưa Chỉ số PCI của tỉnh trở lại top 10 của cả nước, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Đó là đẩy nhanh tiến độ thành lập tổ giúp việc và ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch trao đổi, làm việc với VCCI trong quý IV-2023 để thảo luận, quyết định các vấn đềliên quan đến công tác chọn mẫu khảo sát và định hướng các giải pháp dài hạn để nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh mong muốn các cấp, các ngành cùng chung tay, nỗ lực đưa Chỉ số PCI trở lại vị trí top 10 cả nước. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu để có giải pháp cụ thể. Các sở, ngành liên quan cùng các địa phương đơn giản hóa, rút ngắn thời gian cấp giấy phép đăng ký kinh doanh; thành lập tổ hướng dẫn DN tại bộ phận “một cửa”; thống kê thủ tục đăng ký kinh doanh bị trả lại để chủ động liên hệ hướng dẫn DN; tăng cường công tác đối thoại với DN, hiệp hội ngành nghề. Các ngành chuyên môn, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đối thoại DN ở các cấp, các ngành.
Cùng với đó là tăng cường sự thân thiện của chính quyền các cấp, tăng cường tiếp xúc đối thoại; tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN; thực hiện minh bạch trong đấu thầu và tăng cường phòng, chống tham nhũng; hỗ trợ cung cấp hồ sơ hướng dẫn rõ ràng cho DN; thực hiện tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ DN đào tạo việc làm cho người lao động; tăng tuyên truyền vềChỉ PCI đến người dân, DN và các nhà đầu tư; đồng thời nghiên cứu xây dựng phần mềm tiếp nhận, xử lý hồ sơ chủ trương, dự án đầu tư nhằm rút ngắn thời gian chuyển hồ sơ lấy ý kiến, tổng hợp, lập báo cáo thẩm định…
HỒ VĂN