Để công nhân lao động không còn “khát” phim

Thứ năm, ngày 30/10/2014

Với những công nhân lao động, phim chiếu rạp là khái niệm còn khá “xa xỉ”. Làm sao giúp họ có cơ hội tiến tới gần hơn với nghệ thuật điện ảnh đang là một bài toán khó.

Bình Dương hiện có hơn 850.000 lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm hơn 85%. Công nhân đa phần là lao động trẻ, xuất thân từ nông thôn, do đó nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần là rất lớn. Trong những năm qua, công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quan tâm, nhờ vậy mà đời sống tinh thần cho công nhân lao động đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy nhu cầu thưởng thức “môn nghệ thuật thứ bảy” nhiều công nhân vẫn còn xa lạ với phim chiếu rạp.

Trung tâm Văn hóa Điện ảnh hiện là đơn vị đảm nhiệm phát hành phim, hàng tuần cũng tổ chức 1 - 2 buổi chiếu phim miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, lượng khán giả đến rạp theo đánh giá của ông Phan Thanh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thì dù đã cố gắng bố trí lịch chiếu vào các ngày cuối tuần nhưng lượng khán giả đến rạp rất ít, chủ yếu là người lớn tuổi. Nguyên nhân chưa thu hút được công nhân lao động là do cơ sở vật chất của một số rạp chiếu phim đã lạc hậu.

Để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức điện ảnh của người dân trong tỉnh và phần nào khỏa lấp sự hạn chế của rạp chiếu phim Nhà nước, một số rạp chiếu phim tư nhân được thiết kế hiện đại ra đời như Lotte cinema, CGV Bình Dương Square, Empire cineplex... Đây đều là những rạp phim có phòng chiếu hiện đại, sử dụng công nghệ chiếu phim mới nhất hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức điện ảnh trong những không gian lý tưởng ở đây bởi giá vé của các rạp này khá cao. Giá vé thấp nhất 40.000 đồng/ vé người lớn/ ngày thường/ban ngày. Công nhân khó xem được suất chiếu này, bởi trùng vào thời gian đi làm. Để có thể xem được một bộ phim 2D vào buổi tối các ngày cuối tuần, khán giả phải mất ít nhất là 60.000 -75.000 đồng… Dạo quanh các rạp chiếu phim vào buổi tối, rất hiếm hoi chúng tôi bắt gặp được khán giả là những công nhân đi xem phim.

Việc phát hành phim đang bỏ quên số đông là người lao động? Khán giả là công nhân lao động cũng rất khao khát có cơ hội được thưởng thức những bộ phim, các tác phẩm điện ảnh hay trong nước và nước ngoài. Họ cũng muốn được chọn lựa những bộ phim yêu thích chứ không chỉ là những thước phim đã cũ kỹ hoặc thiếu chất lượng. Thực tế đây chính là nguồn khán giả tiềm năng và là đối tượng rất cần quan tâm để giúp công nhân lao động có điều kiện tiếp cận nền văn hóa điện ảnh hiện nay.

HỒNG THỦY