Để công nhân không rơi vào bẫy “tín dụng đen”: Cần hỗ trợ kịp thời cho công nhân khó khăn

Thứ năm, ngày 11/07/2019

(BDO)

Công an tỉnh phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, hội viên, thanh niên công nhân tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một

Chặt vòi “tín dụng đen”

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, “tín dụng đen” là hoạt động tài chính bất hợp pháp, gắn với các hoạt động trái pháp luật như cho vay nặng lãi, tổ chức thu hồi nợ trái pháp luật, lợi dụng giao dịch dân sự huy động vốn để lừa đảo... Thời gian qua, tình hình hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh có xu hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng cho vay đã hình thành các công ty, văn phòng để hoạt động cho vay, cầm cố tài sản.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này rất chuyên nghiệp. Chúng cử người tiếp thị, làm cò mồi để đưa người vay “vào tròng”, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy khác gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê của ngành công an, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn tồn tại 3 công ty hoạt động “tín dụng đen”, trên 40 cơ sở kinh doanh cầm đồ có biểu hiện cho vay, 300 đối tượng hoạt động cho vay đơn lẻ và 10 băng nhóm hoạt động. Tính đến tháng 4- 2019, Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt xóa hàng chục băng nhóm, tổ chức chuyên cho vay nặng lãi, hoạt động theo kiểu “tín dụng đen”. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 40 đối tượng về tội danh này và các tội có liên quan khác như bắt người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích...

Trong năm 2018, một trong những công ty hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh bị triệt phá, kéo theo đó hàng loạt đối tượng bị tóm là Công ty Nhất Tín đóng tại Dĩ An. Qua đó đã có 7 đối tượng bị khởi tố. Đối tượng mà công ty này nhắm tới là các công nhân cần tiền gấp để giải quyết chuyện gia đình. Khi cần vay tiền, người vay chỉ làm các thủ tục rất đơn giản. Tuy nhiên sau khi vào “bẫy”, họ phải gánh một khoản nợ trả hoài không hết. Có người phải chịu mất tài sản vì những bản hợp đồng nhằm “làm tin”.

Nói về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn, thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng Công an TX.Bến Cát, cho biết: “Ngay từ đầu năm, Công an thị xã đã triển khai kế hoạch huy động lực lượng tấn công, lập danh sách các băng ổ nhóm có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi để tập trung đấu tranh triệt xóa; trong đó tập trung vào các khu vực chợ, siêu thị, khu, cụm công nghiệp và nhà trọ là nơi các đối tượng thường phát tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng và thu lãi hàng tháng. Công an TX.Bến Cát tiếp tục “đánh mạnh” vào tội phạm hình sự nguy hiểm, không để hình thành tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, không để nảy sinh các điểm “nóng” về tội phạm và tệ nạn xã hội, hạn chế tối thiểu việc phát sinh, gia tăng người vi phạm pháp luật. Công an các xã, phường chủ động phối hợp với các ngành chức năng khác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động và hệ lụy của “tín dụng đen” để người dân, nhất là CNLĐ hiểu rõ mà biết cách phòng ngừa. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý một số đường dây hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn”.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Ông Ninh Xuân Hiên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TX.Dĩ An, cho biết: “Hiện nay, LĐLĐ thị xã đang quản lý 409 công đoàn cơ sở với hơn 45.000 công đoàn viên. Qua công tác quản lý, LĐLĐ thị xã chưa nhận được phản ánh hay thông tin về hoạt động “tín dụng đen” trong công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, CNLĐ, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, LĐLĐ thị xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” trong CNLĐ; phối hợp công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình đời sống trong CNLĐ; kịp thời thông tin tuyên truyền giúp CNLĐ hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để họ biết, cảnh giác và tố giác, không để “tín dụng đen” làm ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của CNLĐ”.

LĐLĐ TX.Dĩ An còn tập trung vào việc thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi công đoàn viên, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công đoàn viên, CNLĐ như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ. LĐLĐ TX.Dĩ An còn có chính sách hỗ trợ công đoàn viên, CNLĐ nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn; đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức sinh hoạt, hướng dẫn CNLĐ sử dụng tài chính của bản thân có hiệu quả nhất. Ngoài ra, LĐLĐ thị xã còn phối hợp với tổ chức tài chính vi mô CEP tạo điều kiện cho CNLĐ có nhu cầu được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Nhiều công đoàn cơ sở cũng đã bảo lãnh, tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Những khoản tiền được vay này đã giúp CNLĐ vượt qua những lúc khó khăn.

Để giúp đỡ kịp thời cho CNLĐ khó khăn, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết LĐLĐ tỉnh đang thực hiện thủ tục cần thiết để cho ra mắt Quỹ hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Theo bà Hạnh, thời gian qua công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, văn hóa thể thao; công tác an sinh, phúc lợi xã hội, các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng xã hội, người nghèo và CNLĐ được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt, chu đáo, kịp thời; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. “Riêng vấn nạn “tín dụng đen” tại Bình Dương đã xuất hiện từ lâu. Phía LĐLĐ tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục tuyên truyền để CNLĐ nâng cao nhận thức pháp luật về các thủ đoạn của đối tượng cho vay nặng lãi cũng như các vấn đề liên quan đến giao dịch, sử dụng vốn an toàn. Các cấp công đoàn cơ sở cũng được chỉ đạo phải phát huy vai trò, chức trách trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động; phải sâu sát nắm tình hình, hoàn cảnh của công nhân tại doanh nghiệp mình. Từ đó, có biện pháp vận động kịp thời hỗ trợ những trường hợp người lao động gặp biến cố, hoạn nạn bất ngờ” .

“Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị các ngân hàng và các tổ chức tài chính dành một nguồn kinh phí hoặc xây dựng các chương trình cho vay tiền với mức kinh phí vừa phải, thủ tục đơn giản hướng đến đối tượng CNLĐ. Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chung tay cùng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng xây dựng được nhiều chương trình thiết thực nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho CNLĐ trên địa bàn tỉnh. Vào tháng 8 tới, nếu không có gì thay đổi, LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức ra mắt Quỹ Hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Với nguồn quỹ dự kiến khá lớn này, chúng tôi kỳ vọng người lao động trong tỉnh sẽ tiếp cận được những khoản vay với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, từ đó hạn chế thấp nhất những trường hợp CNLĐ nghèo tìm đến các đối tượng “tín dụng đen” khi có việc gấp cần tiền hoặc chẳng may gặp biến cố bất ngờ trong cuộc sống”, bà Hạnh cho biết thêm.

Ngày 23-4-2019, Ban chỉ đạo 138 tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch yêu cầu tập trung tuyên truyền mạnh đến những đối tượng có nguy cơ cao vướng vào “tín dụng đen” như công nhân ở các khu nhà trọ, những người mua bán nhỏ, các đối tượng không nghề nghiệp...
Kế hoạch đưa ra 5 nhóm giải pháp chung, ngoài vai trò của lực lượng chức năng trong việc trấn áp, xử lý các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, cần chú trọng công tác tuyên truyền về hậu quả, bản chất của tội phạm “tín dụng đen”; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chính quyền các cấp, các tổ chức tài chính, ngân hàng chính sách xã hội nghiên cứu đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ vốn, cho vay tiêu dùng đối với người có nhu cầu vay nhưng không có tài sản thế chấp, nhất là đối với công nhân xa quê...

V.CHÂU - N.HẬU - T.TRANG

Từ khóa: