Để chợ “hàng bông” phát huy hiệu quả
Chợ Phú Hòa, ngôi chợ được người dân biết đến với cái tên chợ “hàng bông” (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) đang được kỳ vọng tạo thành một nơi giao dịch hàng nông sản của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, chợ “hàng bông” cần được đầu tư nhiều hơn mới đủ điều kiện giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh.
(BDO) Chợ “hàng bông” đang giải quyết khá tốt đầu ra hàng nông sản cho nông dân, nhưng cần sớm chấn chỉnh những bất cập để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và sự phát triển của địa phương
Những bất hợp lý
Chị Thảo, tiểu thương chợ “hàng bông” cho biết, mấy ngày qua chợ “hàng bông” khá vắng khách. Để hàng rau củ quả không bị tồn đọng, chị đã phải đem cả tấn hàng của mình đến chợ Thủ Dầu Một, chợ Búng… bán lẻ để hàng không bị hư hại. Nhiều tiểu thương khác trong chợ cũng vậy, họ phải chọn cách chạy chợ để bán lẻ hàng nông sản vì đã lỡ nhập hàng.
Đại diện Ban Quản lý chợ “hàng bông” cho biết, hiện chợ có trên 50 quầy hàng cố định, cùng hàng chục quầy bán theo kiểu thời vụ. Vào thời điểm này, do thời tiết mưa gió nên lượng hàng nông sản về chợ không nhiều, tình hình tiêu thụ tại chợ cũng giảm hơn so với thời điểm trước đó. Mỗi ngày chợ tiếp nhận chừng khoảng 100 tấn rau, củ, quả nhưng việc mua bán không tấp nập như trước.
Điều đáng mừng nhất có lẽ chính là có đến 2/3 nông sản trong tỉnh được tiêu thụ ở đây (chủ yếu là trái cây, bầu, bí, dưa leo...). Nhiều tiểu thương, các tỉnh như Long An, Tiền Giang có thế mạnh từ mặt hàng rau sống, trái cây… cũng tập kết hàng về đây tương đối nhiều.
Một bất hợp lý khác là giá bán sỉ ở đây, theo nhiều thương lái là cao hơn so với các chợ đầu mối nông sản ở TP.Hồ Chí Minh. 2 địa phương gần kề nhau nên tình trạng thương lái bỏ chợ “hàng bông” về TP.Hồ Chí Minh mua hàng, khiến lượng khách truyền thống của chợ giảm dần.
Theo Ban Quản lý chợ “hàng bông”, việc giá bán sỉ ở chợ cao hơn một số nơi khác là do mọi việc các chủ sạp đều giao cho nhân viên nên giá cả cũng do các nhân viên này quyết định. Bên cạnh đó, việc các chủ quầy tự tiện tăng giá khi thấy mặt hàng khan hiếm cũng làm “mất lòng” người mua.
Một vấn đề nữa là ý thức mua bán của các hộ kinh doanh ở chợ “hàng bông” còn kém. Ghi nhận cho thấy, việc trưng bày rau, củ, quả ở đây thường lấn chiếm khuôn viên chợ; xe tải lên xuống hàng làm mất trật tự, tạo ra cảnh quan nhếch nhác, ùn tắc cục bộ. Ban Quản lý chợ cho biết thêm, đã nhiều lần nhắc nhở, tuyên truyền ý thức đối với các hộ kinh doanh nhưng tình trạng tự tiện bày hàng, đậu đỗ xe không đúng quy định vẫn thường xuyên xảy ra.
Cần sớm chấn chỉnh
Vừa qua, đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi khảo sát tình hình thực tế tại chợ “hàng bông”. Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết qua khảo sát từ thực tế chợ nông sản này, sở sẽ có tham mưu tốt hơn cho lãnh đạo tỉnh trong việc định hướng chợ “hàng bông” thực sự trở thành một chợ đầu mối nông sản cho toàn tỉnh, hướng đến phục vụ cho cả thị trường phía Nam.
Các chuyên gia cho rằng Bình Dương đang rất nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì chợ đầu mối nông sản cần được chấn chỉnh và nâng tầm đúng quy mô và kỳ vọng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Định hướng giai đoạn 2016- 2020, trong lĩnh vực nông nghiệp, Bình Dương sẽ tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; bảo đảm nông sản an toàn phục vụ nhu cầu người dân, qua đó góp phần tích cực cho tỉnh nhà thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hiện Bình Dương đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường xuất khẩu. Tuy vậy, nhiều hộ nông dân vẫn còn tư duy làm “quanh quẩn trong vườn”, sản xuất theo kiểu cũ lạc hậu, sản phẩm kém chất lượng. Trong thời gian tới cần sự thay đổi toàn diện để chợ “hàng bông” trở thành nơi tiếp nhận và cung ứng hàng nông sản an toàn, chất lượng cao.
Theo các chuyên gia, thời gian Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ngày một cận kề, bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ thị trường nông sản nội địa là việc cần làm ngay, trước khi tính đến bài toán chinh phục các thị trường trong TPP. Câu nói “vắng mợ chợ vẫn đông” xem ra không còn phù hợp với tình hình hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay.
PHÙNG HIẾU - MAI HOÀNG