Để chính sách thực sự là trợ lực

Thứ bảy, ngày 19/06/2021

(BDO) Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngay sau Nghị định số 52 của Chính phủ ban hành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đều vui mừng, coi đó là liều thuốc trợ lực quý báu để vượt khó, tiếp tục phát triển. Tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến DN gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính. Nghị định 52 đề cập gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, đã thể hiện cách xử lý vấn đề mang tính thực tiễn của Chính phủ. Chính sách đề ra là rất tích cực, nhưng cái đích cuối cùng là hiệu quả và đối tượng thụ hưởng tiếp cận chính sách mới là điều quan trọng. Nếu để tình trạng vướng mắc về thủ tục, triển khai chậm hoặc cán bộ thực thi gây khó dễ, có thể khiến các DN bị lỡ thời cơ tận dụng nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Tại tọa đàm trực tuyến “Tạo thuận lợi cho DN gia hạn nộp thuế, thuê đất” mới đây, cộng đồng DN cho hay việc hoãn và giãn thuế là chính sách hỗ trợ rất tích cực, việc tiếp cận cũng thuận lợi, dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác, đến nay việc triển khai còn một số bất cập, gây khó khăn cho đối tượng thụ hưởng. DN đang cần nguồn tiền để cầm cự, tuy nhiên quy định thời hạn giãn, hoãn theo thời điểm lại khiến DN phải tính toán rất kỹ, bởi nếu không đến kỳ hạn nộp thuế trùng với nhiều khoản phải chi khác trong khi hoạt động kinh doanh vẫn đình trệ sẽ dẫn tới khó chồng khó cho DN. Mặt khác, một số quy định về hoãn nộp thuế VAT, song thực tế DN không thực hiện giao dịch thương mại, không có thu nhập nên một khía cạnh nào đó Nghị định 52 vẫn chưa thể phát huy hiệu quả là liều thuốc trợ lực cho DN.

Các DN cũng cho rằng các chính sách nói chung khi ban hành cần nắm được vấn đề cụ thể về thực trạng của DN thì quá trình triển khai mới hiệu quả. Theo đó, cơ quan thực hiện chính sách cần lắng nghe, quan tâm nhiều hơn đến tiếng nói, quan điểm, đề xuất của DN, phát huy vai trò của các hiệp hội, tổ chức để giảm thiếu rủi ro pháp lý khi DN thực hiện các quy định hỗ trợ. Ngoài ra, để chính sách đi nhanh vào cuộc sống, các cơ quan quản lý liên quan cần nhanh chóng hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN bằng cách giảm thiểu các thủ tục hành chính, hạn chế thanh kiểm tra, trừ những trường hợp có vụ việc nổi cộm để DN có thể ổn định, tập trung thời gian, công sức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 KHẢI ANH