Để cai nghiện và chống tái nghiện ma túy hiệu quả: Cần những giải pháp đồng bộ
Những đối tượng nghiện ma túy càng ngày trẻ hóa; nhiều gia đình phải chịu cảnh tan nát khi chồng, con mình bị nghiện ngập... Tệ nạn ma túy vẫn còn âm thầm diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội, lo lắng cho nhiều người dân. Học sinh, sinh viên ra quân tuyên truyền nói không với ma túy
Trong lĩnh vực về tội phạm ma túy, 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng công an đã phát hiện 161 vụ so với cùng kỳ tăng 40 vụ (=33%), bắt 274 tên. Đã khởi tố 109 vụ với 161 đối tượng, xử lý hành chính 50 vụ với 110 đối tượng, chuyển 6 tháng cuối năm xử lý 2 vụ với 3 đối tượng. Toàn tỉnh hiện có 3.153 người nghiện ma túy, tăng 82 người so với năm 2011, trong đó có 833 người ngoài xã hội, 2.285 người trong các trung tâm cai nghiện, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Ma túy xâm nhập vào dân nhập cư
Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu trong cả nước, đời sống xã hội không ngừng được nâng cao, lực lượng lao động từ các nơi khác đến sinh sống và làm việc ngày càng nhiều (đến nay hơn 650.000 người). Từ đó, các loại hình tệ nạn xã hội ngày càng đa dạng và tinh vi núp bóng dưới nhiều hình thức, đặc biệt là tệ nạn ma túy, số người nghiện ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các đối tượng nghiện ma túy là dân nhập cư ngày càng tăng nhanh. Số đối tượng hoạt động mua bán ma túy có chiều hướng gia tăng, nhiều đối tượng là người địa phương khác đến hoạt động trên địa bàn tỉnh chưa được phát hiện. Nguồn ma túy chủ yếu do các đối tượng nghiện mua từ các tỉnh, thành phố khác đưa về sử dụng và bán lại cho các đối tượng nghiện khác. Qua khảo sát điều tra của ngành lao động - thương binh và xã hội và công an, đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 54/91 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy, chiếm 59,34% so với tổng số xã, phường trong tỉnh với trên 3.153 người nghiện ma túy, phần lớn đều có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp và việc làm ổn định. Bên cạnh đó, số người nghiện ma túy không có nơi cư trú nhất định trong vài năm trở lại đây tăng mạnh và khó kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Đáng lo ngại là ma túy phát triển đã làm tăng nhanh sự lây nhiễm HIV/AIDS gây nên sự bất an trong cộng đồng, dân cư. Ma túy đã làm tha hóa một bộ phận thanh thiếu niên, gây tang thương cho nhiều gia đình, ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh của xã hội.
Cuộc sống mới
Thực tế cho thấy: Đa số đối tượng nghiện ma túy có tuổi đời còn rất trẻ, đáng lưu ý là hơn 70% đối tượng nghiện ma túy đang ở lứa tuổi thanh niên; trình độ học vấn của họ thấp, đa số không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định trước khi vào cai nghiện. Đây là nhóm có nguy cơ tái nghiện và dễ bị lôi kéo vào việc sử dụng ma túy, buôn bán ma túy khi trở về địa bàn dân cư còn nhiều phức tạp. Vì vậy, việc tổ chức lao động trị liệu và lao động sản xuất là một trong những khâu quan trọng không thể thiếu được trong quy trình, chữa trị phục hồi cho người nghiện ma túy. Nguyên nhân người nghiện ma túy luôn lệ thuộc vào chất gây nghiện nên cuộc sống, sinh hoạt, sở thích bị đảo lộn. Thông qua lao động trị liệu làm cho họ có khả năng nhanh chóng phục hồi thể chất và các chức năng lao động vốn có”, một cán bộ ở Trung tâm cai nghiện cho biết. Dạy nghề cho học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục Lao động và tạo việc làm tỉnh
Tại Trung tâm Giáo dục lao động - Tạo việc làm (TT) tỉnh, để tạo điều kiện cho học viên hoàn lương, hòa nhập vào cộng đồng, mỗi học viên khi vào TT được chữa bệnh cắt cơn sau đó chuyển đối tượng về phòng ở tổ chức cho lao động để phục hồi sức khỏe. Khi tham gia lao động, học viên được bố trí làm những công việc từ nhẹ đến nặng nhằm mục đích lao động trị liệu, nâng dần sức khỏe, thể trạng khi được phục hồi đầy đủ sẽ sắp xếp làm những công việc nặng hơn, khó khăn hơn nhằm rèn luyện thân thể và tạo khả năng thích ứng với công việc để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. “Công tác tổ chức lao động sản xuất cho học viên là một việc làm thích đáng, bởi vì khi tham gia vào lao động người nghiện không còn suy nghĩ đến ma túy. Qua đó, người học viên tự tin hơn để nhận thức bản thân mình vẫn có thể lao động bằng sức lực của mình”, một học viên tâm sự. Sau những giờ lao động miệt mài, tiếng cười sảng khoái vang lên trên sân bóng, tiếng vỗ tay reo cười trong những đêm biểu diễn văn nghệ. Hay nhìn học viên chăm chút học những nghề như: thêu, may dân dụng và sửa xe, đan mây tre lá... Đó có thể là cuộc sống mới của người nghiện ma túy. Trong năm 2011, TT tỉnh đã tổ chức cai nghiện 916 trường hợp. TT cũng đã tổ chức dạy văn hóa được 2 lớp xóa mù cho 80 học viên; tổ chức 4 lớp dạy nghề cho 90 lượt học viên, gồm các nghề: điện gia dụng, điện công nghiệp, cắt tóc, sửa xe gắn máy... Tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa các ngày lễ trong năm, những bài giảng về tâm sinh lý thanh thiếu niên, tác hại nguy hiểm của tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và những dịch bệnh lây lan truyền nhiễm...
Kéo người sau cai trở về cộng đồng
Công tác quản lý, giám sát giúp đỡ người sau cai nghiện là cực kỳ quan trọng, có vai trò quyết định trong quá trình cai nghiện ma túy. Ở Bình Dương trong những năm qua đã thành lập được nhiều mô hình phòng chống ma túy, đã phần nào đáp ứng được những tiêu chí này. Mà điển hình như Nhóm Niềm Tin ở phường Thuận Giao (TX.Thuận An) đã tập hợp những thanh niên hư hỏng cảm hóa để trở thành người có ích cho xã hội. Nơi đây đã thực sự trở thành điểm tựa cho những người lầm lỡ. Tại đây, những thanh niên hư hỏng trong nhóm được gặp gỡ sinh hoạt cùng với lãnh đạo của UBND, công an, Đoàn phường... Qua đó các bạn thanh niên trình bày những tâm tư và nguyện vọng của mình để cùng nhau tháo gỡ và giúp họ xóa đi mặc cảm từ bỏ quá khứ trở về với cộng đồng, xã hội.
Bằng mọi cách khơi dậy tiềm năng, nghị lực và phẩm chất tốt đẹp của những người lầm lỡ nghiện ma túy, CLB đã “níu” họ cùng sinh hoạt để tiếp tục cảm hóa, giáo dục họ từ bỏ con đường cũ tìm hướng đi mới cho cuộc sống của mình. Và đến nay, CLB đã trở thành mái nhà chung của những mảnh đời lầm lỡ sa chân bước vào con đường ma túy... Nằm ở trung tâm TX.Thuận An, phường An Thạnh đã thu hút đông đảo dân nhập cư từ những nơi khác đến nên tệ nạn ma túy đã phát sinh. Từ thực tế, năm 2003, CLB “Vì tương lai” trực thuộc Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên phường An Thạnh được thành lập, đã thu hút đông đảo đối tượng tham gia. CLB hiện nay được xem là sân chơi lành mạnh và là điểm tựa cho thanh thiếu niên ở địa phương. Để CLB thu hút đông đảo đối tượng tham gia, vào mỗi buổi tối chủ nhật hàng tuần, CLB tổ chức sinh hoạt, động viên thăm hỏi tình hình sức khỏe cũng như việc làm của mỗi thành viên, lôi cuốn mọi người tham gia. Từ đó, các thanh niên lầm lỡ tin tưởng vào việc làm có ích của CLB. Những đối tượng thực sự tiến bộ được tổ chức giao lưu với thanh thiếu niên trên địa bàn và các học viên của TT tỉnh để mỗi người nhận thức rõ hơn về tác hại của ma túy cũng như cách phòng ngừa tệ nạn xã hội, từ đó giúp đối tượng ý thức và có thể tự điều chỉnh hành vi của mình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy
Đề nghị các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ công an trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Cụ thể: Các sở, ban ngành, đoàn, hội và huyện, thị xã phải quán triệt tinh thần đấu tranh phòng, chống ma túy đến tận chính quyền cơ sở nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã hội trong việc hỗ trợ lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống ma túy. Đa dạng hóa và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong nhân dân và tạo dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với tệ nạn ma túy để mọi người tránh xa, tự phòng ngừa đối với bản thân và người thân trong gia đình. Toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên và nhân dân hãy tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy và những hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; tích cực tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư không có tệ nạn ma túy. Động viên, giúp đỡ người nghiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của pháp luật, tham gia giám sát, giúp đỡ những người đã đi cai nghiện trở về sớm ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái nghiện. Đối với những gia đình có con em nghiện ma túy hãy mạnh dạn khai báo với chính quyền địa phương và lựa chọn biện pháp cai nghiện phù hợp, hiệu quả. Mọi người không nên xa lánh, khinh miệt người nghiện ma túy mà hãy xem người nghiện ma túy là người bệnh cần phải được chữa trị.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Quốc Bình: Sau cai vẫn còn nan giải
Thời gian qua, mặc dù công tác cai nghiện phục hồi đạt những kết quả đáng kể. Song, vấn đề sau cai vẫn còn nan giải, tỷ lệ tái nghiện có giảm nhưng tỷ lệ chưa cao, chưa bền vững do nhiều nguyên nhân tác động như: môi trường tại địa bàn nơi đối tượng cư trú còn tệ nạn mua, bán ma túy và các đối tượng nghiện vẫn còn lén lút hoạt động, các ban ngành, đoàn thể mặc dù có phối hợp trong quản lý, giáo dục đối tượng nhưng chưa được thống nhất và đồng bộ. Xác định công tác vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý, hỗ trợ cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng là một công tác lâu dài và đầy khó khăn, thách thức. Vì vậy trong giai đoạn sắp tới sẽ duy trì và phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp từ tỉnh đến tận các khu phố, ấp... tăng cường công tác vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý, hỗ trợ cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng nhằm giảm thiểu tình hình tái nghiện ma túy tại các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc nhắc nhở, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc để vận động gia đình và người nghiện tự nguyện khai báo và lựa chọn những hình thức cai nghiện phù hợp. Tư vấn hỗ trợ kịp thời những chính sách đối với người cai nghiện tại gia đình cộng đồng theo quy định.
V.Sơn