Để bưu điện văn hóa xã tồn tại và phát triển
Kỳ 1: Vì sao vắng khách?
Trước đây, bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) được biết đến với vai trò quan trọng trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông, sách, báo đến với người dân. Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, nhà nhà, người người có điện thoại, internet để trao đổi, liên lạc… vai trò của BĐVHX mất chỗ đứng. Phải chăng, BĐVHX đã hoàn thành xong sứ mệnh “lịch sử” và sẽ bị “khai tử”(!?)“Cửa đóng then cài”
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, trên địa bàn tỉnh hiện có 49 điểm BĐVHX, trong đó có 35 điểm đang hoạt động và 14 điểm tạm ngưng hoạt động. Tổng diện tích đất đang sử dụng là 20.668m2, bình quân mỗi BĐVHX là 484m2, cơ sở vật chất và các trang thiết bị được đầu tư theo đúng quy định của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Những năm qua, hệ thống các điểm BĐVHX trên địa bàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, chuyển phát thư báo, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước tạo lập thị trường bưu chính viễn thông ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, không khí tấp nập tại những điểm BĐVHX đã không còn. Người dân đến BĐ xã để sử dụng các dịch vụ ngày càng ít hơn. Không hẹn mà gặp, nhiều điểm BĐ của các xã vùng nông thôn rơi vào tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh” và có nguy cơ phải đóng cửa. BĐVHX Cây Trường (Bến Cát) ngưng hoạt động chờ di dời đến nơi sầm uất hơn
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều điểm BĐVHX dù vẫn đang trong thời gian mở cửa, nhưng lại không hề có một bóng người lai vãng. Tại điểm BĐVHX Minh Tân (Dầu Tiếng), cửa vẫn mở nhưng phải đợi đến hơn 1 giờ, chúng tôi nhận thấy không hề có bất kỳ ai ra vào. Chị Võ Thị Ánh Tuyết, cán bộ BĐVHX Minh Tân, cho biết: “Cách đây khoảng 3 năm, mỗi ngày BĐ có hàng chục người đến đọc sách và gọi điện thoại. Hiện nay, có ngày không có ai ghé, nhưng tôi phải “dài cổ” chờ khách”.
Có thể thấy, một thời BĐVHX “một vai hai gánh”- vừa BĐ, vừa văn hóa. Người dân đến đây không chỉ gọi điện thoại, chuyển bưu phẩm, chuyển tiền… mà còn là điểm đến “lý tưởng” để chinh phục tri thức từ các tủ sách, báo. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các BĐ đều không còn tủ sách, hoặc còn cũng chỉ lèo tèo vài ba cuốn sách cũ như “đứng cho có tụ”. Chị Bùi Thị Thu Thủy, cán bộ BĐVHX Tân Long (Phú Giáo), cho biết: “Hàng năm, thư viện huyện có cung cấp sách, báo cho BĐ, tuy nhiên người dân đến BĐ đọc ít dần. Nếu cho họ mượn về, rất khó để lấy lại. Mặc khác, mỗi cuốn sách bị mất sẽ phải đền gần 100.000 đồng. Do đó, tôi thật sự “ngại” khi người dân có ý mượn sách về nhà tìm hiểu”.
Tâm huyết, nhưng khó “trụ” với nghề
Đó là tâm sự chung của những cán bộ BĐVHX thâm niên. Nhiều người trong số họ đam mê, cố gắng cống hiến cho sự phát triển của BĐ, nhưng sức người có hạn. Chị Phương Uyên, nguyên phụ trách điểm BĐVHX Trừ Văn Thố (Bến Cát), với 8 năm thâm niên, chia sẻ: Chị đã bỏ nghề được 5 tháng vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là công việc nhiều mà lương thấp, chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Theo chị Phương Uyên, BĐVHX Trừ Văn Thố là một trong số ít các điểm trong toàn huyện Bến Cát có doanh thu khá và ổn định. Có điều, sau khi hạch toán, đơn vị vẫn thua lỗ và hiện tại, chưa có cách nào để nâng cao thu nhập cho cán bộ phụ trách BĐVHX. “Kế nhiệm” chị Uyên là chị Vũ Thị Kim Nhung, mặc dù mới theo nghề được non 5 tháng nhưng có vẻ đã “nản” khi suốt ngày “đỏ mắt” chờ khách. Với mức lương khởi điểm 650.000 đồng/tháng không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, chị Nhung năng động đầu tư kinh phí mua một máy photo, bán thêm bảo hiểm xe máy, thu tiền điện để kiếm thêm thu nhập. Cán bộ bưu điện nhiệt tình phục vụ khách hàng
Chị Nguyễn Thị Liễu, cán bộ BĐVHX Lạc An (Tân Uyên), với gần 7 năm gắn bó với nghề, trầm ngâm: Trước đây, BĐVHX lúc nào cũng tấp nập người đến gọi điện, gửi thư, chuyển tiền… nên mình làm việc này thấy vui. Hiện nay, BĐ rất ít người đến, chỉ thi thoảng mới có người đến chuyển phát nhanh. Mặc dù BĐ như ngôi nhà thứ 2 của tôi, nhưng với thực trạng này chắc khó “trụ” được với nghề.
Được biết, nhiều điểm BĐVHX các huyện phía bắc của tỉnh, mỗi tháng doanh thu chỉ được gần 200.000 đồng, với số tiền thu nhập hàng tháng như vậy, liệu các BĐVHX có thể “sống” và duy trì hoạt động (!?). Trao đổi về tình hình hoạt động của các BĐVHX, nhiều quản lý BĐ các huyện, thị, chia sẻ: Thu nhập của cán bộ phụ trách tại các điểm BĐ khá thấp. Trả lương thấp, họ không bỏ nghề là may, làm sao bắt họ mở cửa suốt ngày được. Sự kém hiệu quả của BĐVHX là một nỗi băn khoăn lớn của ngành bưu chính, cứ để yên thì bù lỗ mãi chịu sao thấu, mà xóa bỏ thì không được bởi cán bộ của ngành sẽ không kham nổi việc vận chuyển bưu phẩm đến từng thôn, xóm. Người dân sẽ khó khăn hơn với việc tiếp cận các dịch vụ bưu chính. Bên cạnh đó, sự tồn tại của BĐVHX là một tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới...
Đi tìm nguyên nhân
Vì sao các điểm BĐVHX ngày càng vắng khách? Đó là câu hỏi không khó tìm câu trả lời. Theo khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu: Đối với người dân, trong những năm gần đây, có nhiều dịch vụ khác phát triển đáp ứng kịp thời các kênh thông tin cho họ. Điện thoại di động đã phủ sóng khắp nơi, kênh truyền hình với sự đa dạng đã bắt nhịp với đời sống của người dân. Mặt khác, dịch vụ internet ngày càng phát triển cũng tác động không nhỏ tới vai trò của điểm BĐVHX. Còn đối với các điểm BĐVHX, do không bắt kịp với sự phát triển không ngừng của xã hội cũng như những kênh thông tin tiện dụng khác nên không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hầu hết các điểm BĐ ít phát triển và bổ sung sách báo, tạp chí mới mà chỉ vỏn vẹn các sách cũ nên người dân không mặn mà. Mặt khác, tại các điểm BĐVHX, dịch vụ không phong phú nên ngày càng ít khách. Về mặt nhân lực, sự đầu tư kinh phí cho người làm ở điểm BĐVHX chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nên có những người phải tranh thủ làm thêm nhiều việc khác, dẫn tới chất lượng phục vụ người dân bị giảm sút.
Thực trạng trên đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc điều chỉnh hoạt động của các điểm BĐVHX. Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phục vụ của các điểm BĐVHX, cơ quan lãnh đạo ngành BĐ cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm giúp BĐ “hồi sinh”; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ hơn về hữu ích của BĐ tại xã.
Bài 2: Những điển hình cần được nhân rộng
THIÊN LÝ