Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia: Ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa dữ liệu dân cư

Thứ tư, ngày 15/06/2022

(BDO) Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ góp phần chuyển trạng thái từ quản lý truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối chia sẻ dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Hiện nay, nhiều người dân chưa hiểu rõ về đề án cũng như nhận thức được tầm quan trọng của nó. P.V Báo Bình Dương đã trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh về vai trò của đề án 06.


Việc triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính thúc đẩy số hóa kết quả giải quyết TTHC. Trong ảnh: Cán bộ tư pháp TP.Dĩ An hướng dẫn người dân mở tài khoản dịch vụ công tại bộ phận một cửa của thành phố

- Đề án 06 là đề án có tầm quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ đề án này. Xin ông vui lòng chia sẻ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của Đề án 06 trong tình hình hiện nay!

- Ngày 6-1-2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 06/QĐ-TTg ban hành phê duyệt triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đề án 06 sẽ ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử để phục vụ 5 nhóm tiện ích, gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Đề án xác định rõ đối tượng phục vụ là người dân và doanh nghiệp được hưởng các tiện ích tốt nhất thông qua các dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội và tiếp cận các dịch vụ thương mại thông qua định danh điện tử. Trong đó, dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, là nền tảng để kết nối, chia sẻ với các hệ thống dữ liệu của các bộ, ngành nhằm đơn giản hóa TTHC, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các TTHC theo nguyên tắc không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong giai đoạn hiện nay, Đề án 06 tập trung triển khai thực hiện 25 TTHC thiết yếu được ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư với cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó công an có 11 thủ tục, các sở, ngành có 14 thủ tục.

- Trong công tác triển khai thực hiện Đề án 06 có sự tham gia của các đơn vị, sở, ngành nào thưa ông? Vai trò của Công an tỉnh trong triển khai thực hiện đề án này là như thế nào?

- Tham gia thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh có 26 thành viên là lãnh đạo chủ chốt tại 21 sở, ngành, trong đó Công an tỉnh là cơ quan thường trực, trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành các công việc theo kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra; chủ động, phối hợp với các đơn vị, địa phương kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại đề án; tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai đề án trên địa bàn tỉnh và rà soát để triển khai các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng người, đúng việc, không chồng chéo nhiệm vụ; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện từng giai đoạn của đề án. Đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân tiêu biểu, các mô hình hiệu quả, sáng tạo và thiết thực; chấn chỉnh kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện kém hiệu quả, gây lãng phí.

Để phục vụ triển khai Đề án 06, Công an tỉnh tiếp tục triển khai cấp căn cước công dân (CCCD) kết hợp định danh điện tử trên địa bàn tỉnh cho người dân; tích hợp các loại giấy tờ cá nhân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép đăng ký xe, mã số thuế, thông tin tiêm chủng... vào tài khoản định danh điện tử cho công dân khi làm thẻ CCCD; hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” để làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử với hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh. Triển khai, chạy thử nghiệm 11 dịch vụ công trực truyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

- Hiện nay, trong bước đầu triển khai Đề án 06, một số sở, ngành, địa phương gặp không ít vướng mắc. Để tháo gỡ những khó khăn cũng như để người dân quan tâm nhiều đến việc sử dụng dịch vụ công, ngành công an đã và đang có biện pháp gì, thưa ông?

- Bất kỳ một ứng dụng hay dịch vụ triển khai trực tuyến thì cần phải có thời gian để người dân thích ứng. Nhìn chung, các trang web do các sở, ngành triển khai đã được ứng dụng trong thời gian dài, cập nhật điều chỉnh nhiều lần để thuận lợi nhất cho người dân trong sử dụng dịch vụ, nhất là trong thời gian dịch bệnh các sở, ngành đều nhận hồ sơ trực tuyến hoặc trực tiếp qua đường bưu điện nên đã tạo ra thói quen cho người sử dụng.

Việc triển khai Đề án 06 nói chung và 25 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia nói riêng trong năm 2022 còn quá mới, chỉ mới thực hiện trong 6 tháng nên nhiều người dân chưa biết để sử dụng cũng như cần phải có thời gian để thích ứng, chấp nhận sử dụng dịch vụ nếu như thấy được hiệu quả khi giải quyết các TTHC trong thời gian tới.

Chính vì vậy, Chính phủ đã đề ra lộ trình thực hiện Đề án 06 từ năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong thời gian này, các bộ, ngành từ Trung ương đến các sở, ngành địa phương tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và tổ chức thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; từng bước thay thế các loại giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hướng tới mục tiêu người dân chỉ cần sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử mà không phải xuất trình hồ sơ chứng minh thông tin bản thân khi thực hiện TTHC.

Để thực hiện đề án hiệu quả thì phải có sự đồng thuận, nhất trí cao của tất cả người dân và của cả hệ thống chính trị. Do đó, Công an tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để tất cả người dân trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ tầm quan trọng của đề án trong việc chuyển đổi số quốc gia, lợi ích của người dân, doanh nghiệp khi tham gia thực hiện và lợi ích của các cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận, giải quyết TTHC cho công dân.

- Xin cảm ơn ông!

“Để phục vụ triển khai Đề án 06, Công an tỉnh tiếp tục triển khai cấp CCCD kết hợp định danh điện tử trên địa bàn tỉnh cho người dân; tích hợp các loại giấy tờ cá nhân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép đăng ký xe, mã số thuế, thông tin tiêm chủng... vào tài khoản định danh điện tử cho công dân khi làm thẻ CCCD; hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” để làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử với hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh”, Đại tá Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh nói.

TÂM TRANG (thực hiện)