Đề án bảo vệ môi trường TX.Thuận An giai đoạn 2011-2015: Sẽ sớm đi vào thực tiễn
TX.Thuận An có tổng diện tích tự nhiên 83,69km2, dân số tính đến cuối 2010 là 418.407 người. Là địa bàn thuộc vùng trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã đặt ra cho TX.Thuận An một số vấn đề về môi trường cần được quan tâm giải quyết, đó là ô nhiễm do các chất thải sinh hoạt và sản xuất, vấn đề cây xanh trong đô thị, ô nhiễm khí thải và tiếng ồn từ giao thông, công nghiệp. ĐVTN, thiếu niên nhi đồng TX.Thuận An hưởng ứng sôi nổi Ngày hè xanh tại trường tiểu học Lương Thế Vinh
Hiện trạng... từ môi trường
Đánh giá hiện trạng môi trường trên địa bàn, ông Phan Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TX.Thuận An, cho biết có rất nhiều điều đáng nói. Qua kết quả khảo sát, phân tích và so sánh với quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt), hiện trạng chất lượng nước mặt trên địa bàn TX.Thuận An, chỉ tiêu DO tại các điểm quan trắc dao động từ khoảng 0,6mg/L - 7,7mg/L và có 8/9 điểm quan trắc không đạt quy chuẩn cho phép như cầu Bà Hai, cầu Cây Trâm, rạch vàm Búng, suối Cát, cầu Bình Sơn, kênh D, cầu Ông Bố. Tại 9 điểm quan trắc cho thấy có 5 điểm vượt quy chuẩn cho phép về mức độ nhiễm khuẩn (chỉ thị coliforms), trong đó mức độ nhiễm vi sinh cao nhất là lưu vực kênh D, phường Bình Hòa là 21.000MPN/100ml vượt 2,8 lần so với quy chuẩn cho phép). Ô nhiễm chất hữu cơ tại khu vực kênh D thuộc phường Bình Hòa chỉ tiêu BOD5 là 97,4 mgO2/l, gấp 16,2 lần mức cho phép; chỉ tiêu COD là 130mgO2/l, vượt quy chuẩn 8,6 lần...
Đối với hiện trạng môi trường đô thị, nông thôn, ông Sơn phân tích thêm, với dân số trên 410.000 người, hàng ngày toàn thị xã thải ra khoảng 167.000m3 nước thải và trên 200 tấn rác thải. Trong khi đó, nước thải chủ yếu được xử lý bằng bể tự hoại xây dựng chưa đúng quy cách; hệ thống thoát nước đô thị hiện được xây dựng rất chậm so với tốc độ đô thị hóa. Các hộ đầu tư chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ mang tính chất gia đình và tập trung ở các xã nông nghiệp, các trang trại đan xen trong dân cư làm phát sinh mùi hôi, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng... bên cạnh nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết rốt ráo từ ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp...đã đặt ra.
Thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường mà các cấp, các ngành ở TX.Thuận An cần dự báo để xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo vệ môi trường trong 5 năm (2011-2015).
Bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững
Theo kế hoạch, ông Sơn cho biết đến nay, TX.Thuận An đã hoàn chỉnh việc xây dựng đề án bảo vệ môi trường. Với mục tiêu xây dựng TX.Thuận An thành nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, phấn đấu đến năm 2015 trở thành đô thị loại III; bảo tồn đa dạng sinh học và cải tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây ăn trái Lái Thiêu theo hướng phát triển du lịch sinh thái, trao đổi với chúng tôi, ông Sơn còn cho biết TX.Thuận An đề ra một số giải pháp, chắc chắn là sẽ sớm đi vào thực tiễn, góp phần vì sự phát triển bền vững của địa phương.
Ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, vấn đề phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, TX.Thuận An xem đó là vấn đề quan trọng. Theo ông, việc xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới hay xây dựng kết cấu hạ tầng phải bảo đảm về môi trường, trong đó phát triển hệ thống cây xanh đô thị, nâng cao tỷ lệ cây xanh trong khuôn viên, trụ sở của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, trường học và khuyến khích cộng đồng trồng và bảo vệ cây xanh; tách riêng nước thải và nước mưa, đưa nước thải về trạm xử lý tập trung bảo đảm đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra kênh rạch; tuyệt đối không cấp phép các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp bên ngoài các khu, cụm công nghiệp; tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường.
Đối với rác thải, hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn y tế cần thực hiện đồng bộ, song song với việc triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn và từng bước nhân rộng mô hình; thường xuyên nạo vét, chỉnh trang các kênh rạch, sông suối và các hệ thống cống thoát nước; tăng cường thanh, kiểm tra về môi trường; tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Song song đó, TX.Thuận An khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm, bảo tồn đa dạng sinh học và cải tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây ăn trái Lái Thiêu phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái; khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên nước dưới đất; khuyến khích các cơ sở công nghiệp sử dụng nguồn nước cấp phục vụ cho sản xuất; tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện môi trường, phát triển công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải. Có như vậy TX. Thuận An mới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Phấn đấu đến cuối năm 2015 thị xã Thuận An đạt các chỉ tiêu cụ thể, đó là: Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 90%; Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn y tế đạt 100%; 100% các dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp với quy hoạch; 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để hoặc di dời ra khỏi các khu dân cư, đô thị; Phấn đấu trên 50% nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý; Bảo đảm 100% khu dân cư xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải tập trung theo đúng quyết định phê duyệt; Bảo đảm mật độ cây xanh đô thị 5 - 10 m2/người; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; Tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 95%.
Kim Hà