Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng

Thứ tư, ngày 05/06/2013

Đề án Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 3-12- 2007 với mục tiêu giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường. Sau 5 năm triển khai, đề án đã đạt nhiều kết quả khả quan và tạo nền tảng để thực hiện trong giai đoạn tới.

  Sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội đối với nhiều tỉnh, thành trong khu vực

Kết quả bước đầu

Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (HTSĐN) cho biết, lưu vực HTSĐN với 11 tỉnh, thành với dân số khoảng 18 triệu người. Trong đó có 7 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những khu vực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất của cả nước. Nguồn nước HTSĐN có ý nghĩa quan trọng với tất cả các tỉnh, thành trong lưu vực, vừa cung cấp nước sinh hoạt, vừa cung cấp nước sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Đồng thời, HTSĐN cũng là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, chất thải bệnh viện, một phần chất rắn đô thị… Sự phát triển của các tỉnh, thành trong lưu vực dẫn đến tình trạng môi trường của HTSĐN diễn biến phức tạp, nhiều chỉ tiêu môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức báo động như ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng… Để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án BVMT lưu vực HTSĐN đến năm 2020 tại Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 3-12-2007.

Theo Ủy ban BVMT lưu vực HTSĐN, sau 5 năm triển khai với sự nỗ lực của các bộ, ngành và các địa phương trên lưu vực, Đề án BVMT lưu vực HTSĐN giai đoạn 2007-2012 đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Nhận thức của các địa phương về trách nhiệm BVMT trong toàn khu vực được nâng lên, công tác tổ chức chỉ đạo, điều phối ở cấp lưu vực và cấp tỉnh được hình thành. Kế hoạch triển khai đề án tại các địa phương đã được ban hành và triển khai tích cực, tình hình ô nhiễm môi trường nước trong lưu vực đã từng bước được cải thiện, ý thức của cộng đồng trên lưu vực đã từng bước được nâng cao, đầu tư cho môi trường không ngừng gia tăng; hệ thống quan trắc và giám sát môi trường được đầu tư và từng bước được hoàn thiện, công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng hiệu quả, tạo sự chuyển biến đối với nhận thức và hành động của doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực HTSĐN đánh giá, qua 5 năm triển khai Đề án, đến nay tình hình ô nhiễm môi trường nước trong HTSĐN đã có dấu hiệu được cải thiện. Kết quả thực hiện 5 năm qua đã đặt nền móng, xây dựng cơ chế góp phần BVMT lưu vực HTSĐN.

Giải pháp trong thời gian tới

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án BVMT 2013-2015, Ủy ban BVMT lưu vực HTSĐN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực cần tiếp tục tăng cường các nhiệm vụ thường xuyên trong công tác BVMT như công tác điều tra, xác định các nguồn thải; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT; đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát và hạ tầng kỹ thuật môi trường; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT. Chủ động huy động các nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải đô thị, xử lý chất thải rắn… Ủy ban sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, chỉ đạo và điều phối; triển khai các quy hoạch, chương trình, dự án liên ngành, liên vùng; tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm; điều tra, thống kê các nguồn thải, kiểm soát ô nhiễm…

Giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực HTSĐN nhiệm kỳ 2013-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, thời gian qua Ủy ban và các tỉnh, thành có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường lưu vực HTSĐN. Thời gian tới, Ủy ban cùng các bộ ngành Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong nhiệm kỳ thứ nhất, sớm khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh các giải pháp BVMT để công tác BVMT lưu vực HTSĐN đạt kết quả tốt hơn như mục tiêu của Đề án BVMT đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

 

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh LÊ HOÀNG QUÂN: BVMT là vấn đề sống còn của sự phát triển bền vững

BVMT là vấn đề toàn cầu, có ý nghĩa lâu dài và sống còn đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. BVMT là nhiệm vụ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong hành động của các cấp, các ngành… Sau 5 năm triển khai đề án, thành công lớn nhất là thành lập được tổ chức tập trung BVMT lưu vực HTSĐN. Thành công lớn nữa là ý thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm của các cấp chính quyền trong vấn đề BVMT đã được nâng cao. Trong nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nghị quyết về BVMT nói chung, đặc biệt là vấn đề bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai để phục vụ cho gần 20 triệu người trong lưu vực luôn được đề cao.

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường BÙI CÁCH TUYẾN: Bình Dương đã làm tốt công tác BVMT

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá rất cao công tác BVMT của Bình Dương, nhất là môi trường các KCN và đô thị. Trong đó, quan trọng như hệ thống quan trắc tự động tiên tiến nhất cả nước hiện nay; kiểm soát tốt vấn đề môi trường trong các khu đô thị và nông thôn; quy hoạch hợp lý… Bình Dương cũng có cách làm hay trong quản lý, nhanh nhạy trong giải quyết vấn đề môi trường hiện nay. Chính vì vậy, Ủy ban BVMT lưu vực HTSĐN và các địa phương đã thống nhất đề cử Bình Dương tiếp nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực HTSĐN và tin tưởng vào hiệu quả thực hiện trong nhiệm kỳ mới.

VỆ GIANG