Đề án 881: Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cơ sở
Phát hiện những cán bộ, công chức, viên chức trẻ có trình độ, năng lực, phẩm chất, triển vọng để bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã, bổ sung nguồn quy hoạch cấp huyện, cấp tỉnh trong thời gian tới. Đây là một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án “Đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo” vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt tại Quyết định số 881-QĐ/ TU, ngày 25-12-2018.
(BDO)
Cán bộ bộ phận “một cửa” phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: H.VĂN
Nhiệm vụ quan trọng và cần thiết
Về cơ sở thực tiễn để xây dựng đề án, trong quyết định nêu rõ: Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, nhất là trong điều kiện tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhằm bảo đảm công tác đào tạo bồi dưỡng đi vào chiều sâu và đã đem lại một số kết quả nhất định. Cụ thể, tỉnh đã mở 2 lớp đào tạo với tổng số 196 học viên, trong đó có trên 90% cán bộ sau đào tạo được bố trí công tác trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của tỉnh (Đề án 2868), 19% cán bộ được bố trí các chức danh chủ chốt cấp xã. Đa số học viên đều nâng cao nhận thức lý luận chính trị và thực tiễn, được trang bị những kiến thức cơ bản và kỹ năng về công tác quản lý nhà nước, về công vụ, ngoại ngữ… để bổ sung nguồn cán bộ cho các xã, phường, thị trấn, kịp thời thay thế cho số cán bộ đã lớn tuổi, thiếu nghiệp vụ chuyên môn.
Cũng theo Quyết định 881, đề án được xây dựng trên cơ sở rút ra những bài học kinh nghiệm cả về ưu điểm và hạn chế từ Đề án 2868. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như đối tượng đầu vào không đồng nhất, thời gian đào tạo dài nên việc bố trí người thay thế công tác gặp nhiều bất cập, một số chính sách đặc thù về bổ nhiệm nhằm động viên, khuyến khích học viên phấn đấu trong học tập, rèn luyện nhưng cũng tạo tâm lý ỷ lại từ đó thiếu tính phấn đấu trong thực tiễn công tác…
Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo” để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã kế thừa bảo đảm các quy định về tiêu chuẩn cấn thiết; đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo nguồn thời gian qua là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, nhằm đạt mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị văn minh giàu đẹp.
Từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ
Mục tiêu chung của đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất và năng lực để tổ chức và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tâm, thạo việc, tận tụy với nhân dân, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, đồng thời góp phần tạo nguồn cán bộ cho các cấp trong tỉnh trong những năm tiếp theo. Mục tiêu tiếp theo của đề án nhằm chuẩn hóa và chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Khắc phục và hạn chế tối đa việc phải tiếp tục đào tạo sau khi đã bổ nhiệm, bố trí chức danh cán bộ chủ chốt đối với một số bộ phận cán bộ, dẫn đến tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu nhân sự thực thi nhiệm vụ.
Về mục tiêu cụ thể của đề án là phát hiện những cán bộ, công chức, viên chức trẻ có trình độ, năng lực, phẩm chất, triển vọng để bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã, bổ sung nguồn quy hoạch cấp huyện, cấp tỉnh trong thời gian tới. Phấn đấu 100% cán bộ đương chức và được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã giai đoạn 2015-2020 và 2020-2025 đối với cấp ủy; giai đoạn 2016-2021 và 2021-2026 đối với khối Nhà nước; bảo đảm tiêu chuẩn theo đề án, chưa qua bồi dưỡng chức danh chủ chốt được tham gia (bao gồm các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch UBND, chủ tịch và phó chủ tịch HĐND). Phấn đấu 50% cán bộ tham gia đề án được bố trí vào các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2020-2025.
Về đối tượng tuyển chọn: Cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện và người hoạt động không chuyên trách cấp xã hiện đang đương chức hoặc được quy hoạch (đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và còn hiệu lực) chức danh chủ chốt cấp xã giai đoạn 2015- 2020 và 2020-2025 đối với cấp ủy; giai đoạn 2016-2021 và 2021-2026 đối với khối Nhà nước do cấp ủy địa phương, đơn vị giới thiệu về Huyện, Thị, Thành ủy. Sau đó, Huyện, Thị, Thành ủy tổng hợp gửi về Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện đề án.
Quyết định 881 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: Đề án Đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn nhằm triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy về đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Đây là vấn đề mang tính đột phá trong việc nâng cao chất lượng cán bộ công chức cơ sở, chuẩn bị nguồn cán bộ có chất lượng cho hệ thống chính trị. Đây là việc làm cần thiết nhằm góp phần khắc phục những tồn tại về công tác cán bộ cơ sở. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, các ngành, các cơ quan liên quan cần chủ động, phối hợp chặt chẽ và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện đề án.
TRÍ DŨNG