Để 23 sổ đỏ giả “qua mặt”, cán bộ ngân hàng hầu tòa

Thứ tư, ngày 15/07/2020

(BDO) Trong thời gian từ tháng 12-2009 đến tháng 6-2013, bà Thu và đồng phạm đã làm 23 sổ đỏ giả và lập 19 hồ sơ mang tên 18 khách hàng vay gần 78 tỷ đồng. Sau khi Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên y án chung thân với bị cáo Trần Thị Lệ Thu vào tháng 6 vừa qua, 3 cán bộ ngân hàng này cũng sẽ hầu tòa trong thời gian tới…


Việc dùng sổ đỏ giả thực hiện các giao dịch đã gây thiệt hại lớn. Trong ảnh: Tang vật của một vụ làm giấy tờ giả bị cơ quan công an thu giữ

Hàng chục tỷ đồng “bốc hơi”

Bà Trần Thị Lệ Thu (sinh năm 1966, ngụ tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo) vốn là một người chăn nuôi heo nên có nhiều lần thế chấp giấy tờ đất để lấy tiền chăm nuôi. Nhờ vậy bà Thu đã trở thành “khách hàng thân thiết” của Ngân hàng TMCP An Bình, Chi nhánh Bình Dương vì thường xuyên giới thiệu khách đến ngân hàng này vay vốn và hưởng tiền môi giới. Bà Thu “chơi đẹp” bằng cách dùng tiền môi giới của khách hàng cho để bồi dưỡng lại cho 2 cán bộ ngân hàng. Qua nhiều lần tiếp cận, bà nắm được quy trình cũng như sự lỏng lẻo trong kiểm tra, thẩm định tài sản nên nảy sinh ý định làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, hồ sơ giả để vay vốn ngân hàng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh ban hành ngày 21-5-2019, từ tháng 12-2009 đến tháng 6-2013, bà Thu và một nhóm đồng phạm đã làm giả 23 sổ đỏ. Sổ đỏ này giả các nội dung xác nhận của cơ quan Nhà nước, tổ chức công chứng… Ngoài ra, bà còn lập 19 hồ sơ mang tên 18 khách hàng vay gần 77,7 tỷ đồng. Tính đến ngày 12-9-2016, bà Thu đã đóng tiền nợ gốc cho 19 hồ sơ vay với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng, chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Bình Dương khoảng 63 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng nêu rõ 19 “khách hàng” có hồ sơ vay vốn với số tiền vay khác nhau, tiền gốc đã trả, tiền lãi đã trả, dư nợ gốc bao nhiêu, nợ lãi bao nhiêu cho từng hồ sơ. Với thiệt hại khoảng 63 tỷ đồng nêu trên, nguyên nhân được xác định là do cán bộ Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Bình Dương khi thực hiện công việc đã vi phạm quy trình nghiệp vụ cho vay dẫn đến không phát hiện việc bà Thu sử dụng sổ đỏ giả thế chấp chiếm đoạt tiền. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định có 3 bị can là 3 cán bộ ngân hàng gồm: T.V.H.; H.T. và T.T.A.

Sai do quy trình “3 không”!

Cụ thể, H.T. (sinh năm 1987, ngụ tại TP.Hồ Chí Minh) không nhận hồ sơ vay từ khách mà nhận từ bà Thu. Khi thẩm định khách hàng lại không tiếp xúc khách hàng để tìm hiểu nhu cầu vay vốn; không xem xét tình hình thực tế nơi hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng; không trực tiếp thực hiện việc cùng khách hàng đi công chứng hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm. Hành vi của H.T. được cho là vi phạm Quyết định số 186/QĐ/TGĐ.12 ban hành ngày 18-4-2012 của Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình cùng một số quyết định, văn bản khác của ngân hàng này quy định về quy trình thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay. Hậu quả, H.T. đã không phát hiện được bà Thu đã sử dụng 21 sổ đỏ giả thế chấp tại 17 hồ sơ vay, chiếm đoạt khoảng 60 tỷ đồng.

Bị can thứ hai là T.T.A. (sinh năm 1982, ngụ tại Bình Dương) cũng là cán bộ Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Bình Dương. Khi thẩm định tài sản thế chấp không gặp trực tiếp khách hàng để thẩm định mà gặp bà Thu và được bà này hướng dẫn việc khảo sát, thẩm định tài sản thế chấp dẫn đến không phát hiện được tài sản thế chấp là không có thật. Hậu quả, dẫn đến việc bà Thu “qua mặt” sử dụng 9 sổ đỏ giả thế chấp tại 9 hồ sơ vay tiền chiếm đoạt khoảng 33 tỷ đồng.

Bị can thứ 3 là ông T.V.H. (sinh năm 1967, ngụ tại Đồng Nai), một cán bộ lãnh đạo của Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Bình Dương. Với vai trò quản lý, bị can này giao cho H.T. là chuyên viên quan hệ khách hàng thực hiện công việc của chuyên viên quản lý tín dụng. Khi được giao công việc của chuyên viên quản lý tín dụng thì H.T. không thực hiện đúng quy trình, quy định của ngân hàng nên không phát hiện bà Thu sử dụng hồ sơ giả thế chấp vay tiền. Hành vi của ông T.V.H. là trái với quy định về phân công nhiệm vụ của Ngân hàng TMCP An Bình, không tuân thủ các quy chế, quy định về cho vay của pháp luật và của Ngân hàng TMCP An Bình.

3 cán bộ thuộc Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Bình Dương đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Dương truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo khoản 3, Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” được đưa ra xét xử vào ngày 2-7 nhưng sau đó bị tạm hoãn và sẽ được xét xử trong thời gian tới.

Hành vi của bà Trần Thị Lệ Thu cùng đồng phạm đã bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và được xử lý trong một vụ án khác. Bà Thu không chỉ chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Bình Dương số tiền hơn 63 tỷ đồng mà còn chiếm đoạt của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Sở Sao Bình Dương hơn 9,5 tỷ đồng. Sau nhiều phiên tòa xét xử và nghị án, vào giữa tháng 6-2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Lệ Thu 4 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng cộng hình phạt là chung thân. 1 năm sau, vào tháng 6-2020, sau khi một đồng phạm của bà Thu kháng cáo, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử và y án chung thân đối với bà Trần Thị Lệ Thu.

 LÊ NA