Dạy và học đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
(BDO) Thế giới đang trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc mỗi người phải thay đổi tư duy và hành động, năng động và sáng tạo, trở thành những con người thông minh. Trong giai đoạn này, vai trò của giáo dục rất quan trọng, thầy cô cần nhanh chóng bắt nhịp với xu thế đổi mới để sản phẩm của người thầy đáp ứng được cuộc cách mạng lần thứ tư đang phát triển như vũ bão.
Học sinh THCS thi thực hành thí nghiệm lý, hóa, sinh
Cuộc thi khoa học kỹ thuật đã giúp học sinh phát huy khả năng nghiên cứu và ứng dụng kiến thức vào thực tế
Đổi mới cách dạy, học
Trong xu thế hội nhập và phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sự thay đổi là sống còn. Và Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ra đời rất phù hợp với tình hình cả nước đã và đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ nghị quyết này, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã xây dựng kế hoạch hành động, đồng thời triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên trong tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT, nói: “Đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành đã thực hiện giáo dục theo Stem. Qua đó trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Theo đánh giá của ngành, người thầy đã chứng minh được nghệ thuật dạy học qua sự sáng tạo trong cách dạy, giúp học sinh (HS) chủ động hơn trong học tập”. Theo đó, ngành đã thực hiện những phần nhỏ của Stem qua việc thực hiện dạy học kiến thức liên môn, dạy theo chủ đề tích hợp. Rõ ràng, việc kết hợp kiến thức liên môn vào một môn học nào đó là hết sức cần thiết, có hiệu quả rõ rệt đối với HS, đặc biệt là phương pháp dạy học theo dự án.
Chúng tôi đã có dịp quan sát một tiết dạy của cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên dạy môn vật lý trường THCS Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một). Cô dạy môn vật lý nhưng kết hợp các môn tin học, văn học, mỹ thuật vào bài giảng. Cô đã để HS chủ động tự tìm hiểu và tự trình bày kiến thức bài học để thu thập kiến thức thông qua các sản phẩm phục vụ học tập tích cực dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các em tự tìm hiểu bài học và tự tạo được sản phẩm riêng cho nhóm mình, từ đó các em nắm được nội dung bài rất tốt, thể hiện tối đa khả năng sáng tạo, tư duy, chủ động, tích cực tham gia bài học.
Tạo điều kiện để HS học tập tích cực và sáng tạo, các cuộc thi nghiên cứu khoa học, sáng tạo trẻ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... là những hoạt động học thuật giúp HS có những trải nghiệm và ứng dụng kiến thức thực tế vào cuộc sống. Những hoạt động này cũng chính là đang đi theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đầu tư trang thiết bị hiện đại
Phục vụ cho hoạt động đổi mới dạy và học, đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, thời gian qua ngành GD-ĐT luôn quan tâm đầu tư thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại. Năm 2015, ngành đã trang bị cho 13 trường phổ thông, với kinh phí trên 153 tỷ đồng; năm 2016 có 7 trường được đầu tư gần 97 tỷ đồng; năm 2017 có thêm 29 trường mầm non, phổ thông công lập được đầu tư 118 tỷ đồng. Năm 2018, Sở GD-ĐT tiếp tục trang bị thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại cho 15 trường…
Từ khi được trang bị các trang thiết bị hiện đại, hoạt động dạy và học ở các trường đã thực sự thay đổi. Từ đó đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của HS và yêu cầu phát triển của xã hội; xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, có khả năng giáo dục HS phát huy năng động, sáng tạo, có năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Thế giới sang trang mới, sự đổi mới trong dạy và học của ngành còn nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học; xây dựng môi trường giáo dục theo hướng hiện đại; tạo môi trường học tập mới, năng động, sáng tạo thông qua việc ứng dụng tính năng của thiết bị vào quản lý, giảng dạy và các nhiệm vụ khác.
“Năm 2019, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn cho giáo viên về Stem và định hướng khởi nghiệp cho HS. Bên cạnh đó, ngành còn xây dựng 2 mô hình: Stem Vinaponics và mô hình robotic. Mô hình 1 đào tạo trải nghiệm cho HS làm quen với dự báo thời tiết, năng lượng sạch, trồng rau thủy canh. Mô hình 2 giúp HS trung học sáng tạo máy móc, mẫu robo trên linh kiện có sẵn, cũng như cách lập trình hoạt động ”
(Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo)
ÁNH SÁNG