Dạy tiếng anh trong trường phổ thông: Đầu tư đúng hướng, phát huy hiệu quả
(BDO) Trong các kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây, điểm trung bình môn tiếng Anh của thí sinh Bình Dương luôn đứng thứ nhì cả nước. Đây có thể xem là kỳ tích của giáo dục Bình Dương sau nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông.
Dạy và học tiếng Anh tại trường THCS Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một)
Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông giai đoạn 2012-2017 trên địa bàn tỉnh”. Kết thúc đề án, ngành giáo dục cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra và đạt được những mục tiêu lớn của đề án, như: Tỷ lệ và số lượng giáo viên (GV) dạy tiếng Anh đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) được nâng cao; phương pháp dạy học của GV thay đổi theo hướng phát triển kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho học sinh (HS); phương tiện, máy móc thiết bị được trang bị đầy đủ hỗ trợ GV dạy tiếng Anh. Đặc biệt, kết quả học tập môn tiếng Anh và năng lực ngoại ngữ đầu ra của HS từng bước nâng cao.
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, bên cạnh kết quả các kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của HS ngày càng nâng cao và ổn định, năng lực sử dụng tiếng Anh của HS được đánh giá theo chuẩn quốc tế Cambridge cũng rất khả quan. Từ năm 2012-2017 GV dạy tiếng Anh của tất cả cơ sở giáo dục công lập của tỉnh đã được bồi dưỡng và được kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ. “Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc bố trí GV dạy tiếng Anh phù hợp với năng lực. Đây cũng là cơ sở để xây dựng những chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho GV dựa trên năng lực tiếng Anh thực tế của họ sau khi được bồi dưỡng năng lực”, bà Sáng cho biết.
Ngoài việc được bồi dưỡng năng lực, trong thời gian thực hiện đề án, GV dạy tiếng Anh các trường được tỉnh đầu tư thiết bị kỹ thuật hỗ trợ theo hướng phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Anh. Bên cạnh được trang bị thiết bị dạy ngoại ngữ, tất cả các trường phổ thông được trang bị hệ thống loa treo tường, giúp HS được kiểm tra tập trung kỹ năng nghe tiếng Anh theo định kỳ; GV và HS có phương tiện dạy và học tương tác trực tiếp với nhau và tăng nguồn dữ liệu chuẩn để trang bị cho HS.
Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục
Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh”. Bà Nguyễn Hồng Sáng cho biết thêm, ngành hướng tới mục tiêu trang bị đủ khả năng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ cho người học trên địa bàn tỉnh khi hoàn thành chương trình THPT; từng bước biến khả năng sử dụng ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Bình Dương trong xây dựng, hội nhập và phát triển nền kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngành có hướng đầu tư, đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ ở các cấp trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc tại doanh nghiệp; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập. Đến năm 2025, đa số HS, sinh viên tốt nghiệp ở trình độ trung cấp, cao đẳng có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, đọc được tài liệu bằng ngôn ngữ nước ngoài, tự tin trong giao tiếp, trong công việc.
Theo đó, ngành tiếp tục thực hiện chương trình cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ. Đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục duy trì và phát triển chương trình tiếng Anh cho 100% HS phổ thông bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 12. Ngành sẽ tạo môi trường học tập, rèn luyện và sử dụng tiếng Anh thực tế giúp người học tiếng Anh phát triển năng lực ngoại ngữ. Trong giai đoạn này, ngành GD-ĐT hoàn thành việc bồi dưỡng phương pháp dạy học mới cho GV dạy tiếng Anh khai thác có hiệu quả sách giáo khoa tiếng Anh theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT và chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở bậc học mầm non. Bên cạnh đó, ngành cũng tiếp tục hỗ trợ GV nâng cao năng lực tiếng Anh, tiến tới đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT dành cho GV đang giảng dạy ở mỗi cấp học.
HỒNG THÁI