Dạy thí điểm tiếng Nhật trong trường phổ thông
(BDO)
Từ năm học 2014-2015, Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức dạy thí điểm tiếng Nhật tại 8 trường, trong đó có 6 trường THCS và 2 trường THPT. Đây là môn ngoại ngữ thứ 2 và là môn tự chọn của học sinh. Ngoại ngữ là kiến thức nhất thiết học sinh cần được trang bị, vì sẽ giúp ích cho việc học tập và phát triển nghề nghiệp của các em sau này.
Một tiết dạy tiếng Nhật tại trường THCS Nguyễn Viết Xuân (TP.Thủ Dầu Một)
Bình Dương là tỉnh thu hút khá nhiều doanh nghiệp đầu tư từ Nhật Bản. Chính vì vậy, nhu cầu học tập tiếng Nhật ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Đối với ngành giáo dục - đào tạo, sau khi khảo sát nhu cầu và điều kiện dạy học tiếng Nhật, ngành chọn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và TX.Dĩ An triển khai thí điểm môn học này. Năm học 2014-2015, sở tổ chức dạy thí điểm tại 6 trường THCS và 2 trường THPT, năm học 2015-2016, ngành tiếp tục triển khai tiếng Nhật thêm 2 trường THPT là chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một) và Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên). Như vậy đến nay, có 1.800 học sinh của 10 trường đăng ký môn học tự chọn là tiếng Nhật.
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết chuẩn bị triển khai giảng dạy tiếng Nhật trong trường phổ thông, từ năm 2009 ngành đã cử 13 sinh viên vào học ngành tiếng Nhật tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Hiện nay có 12 giáo viên tham gia giảng dạy tại 10 trường tổ chức dạy thí điểm. Do được đào tạo đúng chuyên môn, nên tất cả giáo viên đều có ý thức nghề nghiệp, ra sức học tập, cùng trao đổi và rút kinh nghiệm trong giảng dạy.
Trong quá trình các trường tổ chức giảng dạy, các giáo viên (GV) được các thầy cô và những chuyên gia của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản nhiệt tình giúp đỡ. Sở cũng tạo điều kiện cho các GV được tham dự các buổi tập huấn giảng dạy phối hợp cùng Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, các chương trình hội thảo giáo dục tiếng Nhật tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Từ đó, trình độ tiếng Nhật và nghiệp vụ sư phạm của GV không ngừng được nâng cao. Cô Huỳnh Thanh Hiền, GV giảng dạy, đồng thời là chuyên viên trong tổ đề án ngoại ngữ cho biết, hàng tháng sở phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức tập huấn cho GV tiếng Nhật tại Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Vừa qua, quỹ cũng đã tổ chức chương trình tập huấn GV tiếng Nhật toàn quốc. Đây là cơ hội cho GV tỉnh nhà được tham gia học hỏi, giao lưu và trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. Sắp tới, sở tạo điều kiện cho 2 GV tiếng Nhật được tham dự khóa tập huấn 6 tháng tại Nhật Bản. Ngoài ra, hàng năm quỹ còn cử các tình nguyện viên đến tham gia hỗ trợ GV giảng dạy và giới thiệu văn hóa, luyện âm, hội thoại cho học sinh.
Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (TP.TDM) là 1 trong 10 trường được ngành giáo dục - đào tạo chọn triển khai dạy tiếng Nhật. Học sinh đăng ký học tiếng Nhật phải đạt học lực khá, giỏi. Hiện có khoảng 200 học sinh khối 6 và 7 đăng ký học. Thử theo dõi một tiết học của thầy trò, chúng tôi nhận thấy học sinh tỏ ra hào hứng khi được học thêm ngoại ngữ thứ hai. Em Phạm Nguyễn Anh Tài, học sinh lớp 8 cho biết, nếu siêng năng, chăm chỉ thì học tiếng Nhật không khó. Em sẽ cố gắng rèn luyện để thông thạo môn ngoại ngữ này. Sau một năm tham gia giảng dạy, cô Bùi Đình Lan Hương nhận xét, học sinh có thái độ học tập nghiêm túc, các em vận dụng tốt các kiến thức đã học trong sách giáo khoa.
Ngoài được học chương trình chính khóa theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo, học sinh còn được tham gia cuộc thi viết tiếng Nhật, tham gia hội trại tiếng Nhật dành cho học sinh THCS, xếp giấy Origami, cắt giấy Kirigami, làm yukata bằng giấy, giới thiệu ẩm thực Nhật Bản qua món sushi, cơm nắm Onigiri… Những hoạt động trên giúp học sinh hiểu thêm về truyền thống văn hóa của xứ sở hoa anh đào.
H.THÁI