“Dậy sóng” bến sông quê!
Sáng ra, những ghe hút cát lậu dạt về phía bờ Đồng Nai nằm chờ đêm đến
Đông như họp chợ!
21 giờ, chúng tôi có mặt trên bờ sông Đồng Nai (đoạn qua ấp Nhựt Thạnh). Mới nhâm nhi được vài tách trà thì anh P., một người dân địa phương ngước mắt nhìn ra phía sông rồi lên tiếng: “Đi thôi, chúng đến rồi”. Dưới ánh đèn pha loang loáng, chiếc ghe máy tiến sát bờ chỉ sau vài phút rồi tắt đèn không còn nhìn thấy gì. Lúc này, tiếng máy ghe nổ nhẹ nên chúng tôi có thể nghe thấy tiếng động của một vật nặng được thả xuống sông. Anh P. nép sát vào tôi thầm thì: “Chúng đang ôm “vòi rồng” lặn xuống tìm cát đó”. Khoảng 5 phút sau, khi mọi thao tác đã xong, tiếng máy ghe bắt đầu gầm rú, mặt sông đang yên bình bỗng chốc… náo động!
21 giờ 30 phút, trên đoạn sông dài chừng 100m ở ấp Nhựt Thạnh, chúng tôi đếm được hơn 10 ghe hút cát đang vào “ăn hàng” sát bờ, nhộn nhịp như một cái “chợ nổi” trong đêm. Cứ khoảng 5 - 10 phút là có ghe ra, ghe vào kéo theo những đợt sóng lớn, xô đổ từng mảng đất lớn ven bờ vốn đã bị khoét hàm ếch, khiến anh P. đứng ngồi không yên! Dõi theo những ghe cát đầy ắp được mang đi, anh P. bức xúc: “Nếu tình trạng này kéo dài thì cả đoạn bờ sông này chẳng bao lâu sẽ không còn. Mấy chú coi có cách nào giúp đỡ bà con với chứ đây là mảnh đất ông bà để lại, mình không giữ được thì có tội với tổ tiên…”.
Đêm càng về khuya, tiếng máy ghe hút cát càng lúc càng rõ khiến người trẻ bồn chồn, người già mất ngủ. Họ bồn chồn, mất ngủ phần vì tiếng ồn, phần vì lo cho phần đất ít ỏi của gia đình lần lượt bị cuốn trôi theo dòng nước! Cụ bà Mai Thị Dẽ, năm nay 82 tuổi, lần dò từng bước chống gậy ra tận mép sông khi chúng tôi ngang qua nhà cụ. Nhìn cụ bà khúm núm, mò mẫm đi tới đi lui trong đêm, anh P. không chịu được nên lên tiếng trấn an: “Bà vào đi, ra đứng nhìn có giải quyết được gì đâu”. Bà cụ trả lời giọng yếu ớt: “Biết vậy nhưng làm sao mà ngủ được bây. Tao mà lỡngủ thì hai thằng nhỏ chạy ra lọt sông lại khổ”. Anh P. cho biết gia đình bà Dẽ có hoàn cảnh hết sức khó khăn, hiện đang sống bằng nguồn tiền trợ cấp vì cả 2 người con trai của bà đang mắc bệnh tâm thần. Hàng ngày, bà phải chắt chiu từng đồng kiếm thêm từ cây trái trong vườn để nuôi con bệnh. Mấy tháng nay, do bị tiếng ồn từ những ghe hút cát quấy rầy mỗi đêm nên 2 người con của bà không ngủ được, bệnh tình ngày càng thêm nặng!
Nhiều người dân địa phương cho biết, tình trạng khai thác cát lậu ở địa bàn xã Thạnh Hội gần như diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, từ đêm 18-11-2012 đến nay, đoạn sông dài gần 200m ở ấp Nhựt Thạnh trở thành “điểm nóng”. Hàng đêm, khu vực này luôn có từ 6 - 12 ghe hút cát lậu túc trực từ 21 đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Lý giải về việc này, anh M.V.C. cho biết ở đây có nguồn cát đẹp, chỉ nằm cách UBND xã chừng 200m nên lâu nay bọn chúng vẫn dè chừng. Gần đây, những nơi khác bị khai thác cạn kiệt nên bọn chúng kéo về đây hoành hành. Hơn nữa, khu vực này nằm gần các điểm tập kết cát, tiện lợi cho việc vận chuyển cát sau khi hút được.
Thách thức cả ngành chức năng!
Nếu trước đây, “cát tặc” thường khai thác xa bờ, thì nay bọn chúng thường tiến sát bờ và khai thác một cách công khai. Anh P. kể, khoảng 1 năm về trước, thỉnh thoảng vẫn có ghe tấp vào khai thác sát bờ, nhưng khi bị bà con bơi xuồng hay rọi đèn xua đuổi thì bọn chúng bỏ đi, còn bây giờ bọn chúng táo tợn hơn. Mới đây, vào tối ngày 21-5, khi anh P. rọi đèn xuống xua đuổi ghe hút cát lậu gần bờ thuộc khu vực vườn nhà mình thì bị một thanh niên lăm lăm khúc cây chỉa thẳng lên quát: “Tắt đèn ngay, có muốn thì dùng dàn thun mà bắn đi chứ rọi rọi cái gì. Mày muốn tụi tao phá nát nhà không hả!”. Do sợ chúng làm thật, anh P. vội tắt đèn trốn vào nhà. Anh P. kể: “Cách đây khoảng 2 tháng, trong một lần bức xúc, anh C. cùng người hàng xóm bơi xuồng ra sông xua đuổi, bọn chúng cũng nhổ neo ra xa bờ. Tuy nhiên, khi vừa quay đầu ghe, chúng liền dùng đá chọi vào xuồng anh C. rồi quát lớn: Mày là thằng C. phải không. Tụi bây đâu, quay lại chém chết thằng C. cho tao. Nghe vậy, anh C. vội chèo nhanh vào bờ và từ đó đến nay không dám xuống sông nặng lời với chúng”.
Nhiều người cho biết, trên các ghe khai thác cát lậu gần như lúc nào cũng có các loại hung khí như dao, mã tấu, cây… Hơn nữa, bọn chúng rất hung hăng nên không ai dám chống lại mà chỉ biết thấp thỏm đứng nhìn. “Có người mách nước nên mua miểng chai về đổ xuống sông. Chỉ có cách đó mới ngăn chặn được bọn chúng, vì khi đưa “vòi rồng” xuống, bọn chúng sẽ bị miểng cứa đứt tay hoặc miểng chai vướng vào “vòi rồng” không hút được. Vậy là tôi với anh C. liền đi mua hàng tấn miểng chai đổ xuống bờ sông khu vực gần nhà, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, miểng chai bị nước cuốn trôi là bọn chúng lại khai thác”, anh P. cho hay.
Có sự tiếp tay của các chủ bãi?
Anh T. một người dân địa phương từng làm công cho các ghe hút cát lậu, cho biết hầu hết số ghe hút cát lậu nói trên đều thuộc về các ông chủ bãi cát thuộc địa bàn xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Trong số đó, ghe tư nhân chiếm số lượng rất ít, chủ yếu vẫn là ghe của các doanh nghiệp chuyên đứng ra thu mua, kinh doanh cát có bãi tập kết nằm sát mép sông. Theo quy trình, mỗi ghe có trọng lượng 8m3, khi xuất bến luôn có 4 người đảm nhận 4 công việc và được trả lương theo chuyến. Mỗi chuyến người ôm “vòi rồng” lặn dò tìm cát được trả công 150.000 đồng, người lái ghe 90.000 đồng, người bơm cát 80.000 đồng, người kéo neo 50.000 đồng. Trung bình mỗi đêm, các ghe này khai thác từ 10 - 15 chuyến, tính ra mỗi đêm bọn chúng được trả công lên đến bạc triệu. Với số lượng ghe như đã nói, bình quân mỗi đêm tại bến sông ấp Nhựt Thạnh bị hút đi khoảng 1.000m3 cát.
Theo anh T., khai thác cát lậu đem lại siêu lợi nhuận cho các chủ bãi, cho dù đó là ghe tư nhân. Bởi nếu là ghe của tư nhân, khi đem cát về các bãi cung cấp thì bị ép giá khoảng 120.000 đồng/m3, trong khi chủ bãi bán ra thị trường với giá khoảng 250.000 đồng/m3. Khi chúng tôi dò hỏi thêm thông tin về các chủ bãi, thì T. từ chối không trả lời.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi vì sao điểm khai thác cát diễn ra rầm rộ chỉ cách UBND xã khoảng 200m mà chính quyền địa phương không hay biết? Anh P. lắc đầu: “Chính quyền xã cũng bó tay! Thời gian đầu khi bọn chúng mới hoành hành, đêm nào bà con cũng điện lên công an xã cầu cứu. Tuy nhiên, không hiểu sao khi ghe của lực lượng đến nơi là bọn chúng đã dạt xa bờ. Những đêm lực lượng cắm ghe tại khu vực, rồi lên bờ giăng võng nằm trực thì bọn chúng không đến, nhưng khi các anh vừa rút đi là mọi chuyện lại tái diễn như cũ. Mấy tháng gần đây, tôi nghe mấy anh bảo ghe lực lượng bị hư hỏng nặng, nên bến sông biến thành “bến chợ” về đêm. Không có ghe thì xem như bó tay, vì có lần quá bức xúc lực lượng của xã đem súng xuống bắn chỉ thiên, nhưng dưới sông bọn chúng vẫn thản nhiên khai thác xem như không có chuyện gì xảy ra. Bọn chúng còn trêu chọc súng gì mà bắn lẹt đẹt nghe như pháo chuột! Chuyện “cát tặc” thách thức lực lượng của xã không phải mới, bởi cách đây khoảng 3 năm, khi lực lượng của xã truy bắt một nghe cát lậu, bọn chúng còn dùng hung khí tấn công lại làm một người bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu!”.
Trao đổi với chúng tôi về chuyện các băng nhóm khai thác cát lậu đang hoành hành trên địa bàn, ông Lê Văn Mướp, Trưởng Công an xã Thạnh Hội, cho biết hiện tại ghe tuần tra của lực lượng bị hư hỏng khá nặng ở phần đuôi và máy, nên không thể tuần tra bằng đường sông như trước; còn tuần tra bằng đường bộ thì chẳng làm gì được bọn chúng. Công an đã báo cáo lãnh đạo UBND xãđể xin kinh phí sửa chữa ghe tuần tra. “Chúng tôi cũng trình báo sựviệc lên công an huyện để xin trợ giúp, đặc biệt là việc phối hợp với chính quyền địa phương tỉnh Đồng Nai trong việc truy bắt bọn “cát tặc”, nhưng chưa thấy phản hồi”, ông Mướp cho hay.
Hoạt động khai thác cát lậu ởThạnh Hội chưa biết khi nào chấm dứt bởi chính quyền xãđãlàm hết khảnăng cóthểnhưng vẫn không ngăn được những kẻ táo tợn, hung hãn từ nơi khác đến. Nếu tình trạng này cứtiếp diễn, thìngười dân nơi đây sẽcòn mất ngủkhông chỉbởi tiếng gầm rúcủa những cỗmáy hút cát, màcòn vì lo lắng cho mảnh đất tổtiên bao đời đểlại cónguy cơ chìm xuống lòng sông sâu!
QUANG TÁM - TRÍ DŨNG