Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng

Thứ năm, ngày 22/12/2016

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015, với sự quyết tâm cao độ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, năng động, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Bình Dương tiếp tục là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

(BDO)

 Giai đoạn 2010-2015, công nghiệp tiếp tục tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại. Ảnh: Q.CHIẾN

 Trong giai đoạn này tỉnh đã tập trung quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tập trung lãnh đạo và tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu, phát hiện những nhân tố tích cực, đưa ra các giải pháp mới, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2010-2015. Các chương trình đột phá, chương trình trọng điểm trong lĩnh vực kinh tế được chú trọng và chỉ đạo sát sao, quyết liệt đã mang lại kết quả khả quan. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phát triển nhanh, bền vững. Năng lực, vị thế và khả năng cạnh tranh của Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc. Nổi bật trong phát triển kinh tế là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với việc tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đến năm 2015 cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp đạt tỷ lệ tương ứng là 60% - 37,3% - 2,7% (Nghị quyết 59% - 38% - 3%). GDP bình quân đầu người vượt kế hoạch đề ra, cuối năm 2015 là 72,3 triệu đồng/người (Nghị quyết Đại hội IX là 63,2 triệu đồng/người).

Qua từng năm, chủ trương chuyển hướng thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng, công nghệ cao đã được Bình Dương triển khai quyết liệt, đúng hướng. Trong giai đoạn này, tỉnh nhất quán quan điểm đẩy mạnh phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị tăng cao, theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từng bước hình thành và phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm toàn cầu, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn ra thị trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong mối quan hệ kết nối từ các tập đoàn kinh tế lớn có vốn đầu tư nước ngoài. Phát triển công nghiệp gắn chặt với phát triển dịch vụ đô thị theo hướng hiện đại, thân thiện và bền vững. Chính vì vậy, công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực chủ lực, đạt tốc độ tăng trưởng cao, tương đối ổn định, từng bước phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 15,7%. Các khu công nghiệp (KCN) tiếp tục được mở rộng, khai thác có hiệu quả, hạ tầng đồng bộ gắn với việc phát triển hạ tầng đô thị và dịch vụ chất lượng cao. Đến cuối năm 2015 Bình Dương có 28 KCN được triển khai với tổng diện tích gần 9.500 ha, trong đó 26 KCN đã đi vào hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 65%. Cùng với đó, chủ trương phát triển dịch vụ chất lượng cao được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, chuyển đổi công năng các KCN. Với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và kỹ thuật cao bước đầu đã động viên được nông dân chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, khai thác lợi thế thổ nhưỡng phát triển các loại cây ăn quả đặc sản truyền thống có giá trị kinh tế cao.

Trong giai đoạn này, chủ trương huy động được các nguồn lực cùng tham gia đầu tư phát triển kinh tế được tỉnh vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bình Dương đã từng bước chọn lọc và tập trung vào những dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại; đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển đô thị - dịch vụ chất lượng cao. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể nhằm thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, sự quan tâm sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo tỉnh đã giúp doanh nghiệp thêm an tâm, tin tưởng tăng vốn đầu tư hoặc đầu tư thêm dự án mới…

 CAO SƠN