Đẩy nhanh tiến độ thành lập khu công nghiệp theo quy hoạch
(BDO) Theo phương án phát triển khu công nghiệp (KCN) của tỉnh mới nhất, đến năm 2030 trên địa bàn có 43 KCN với tổng diện tích khoảng 18.600 ha. Trong đó tiếp tục thực hiện 33 KCN theo quy hoạch trước đây với 27 KCN hiện hữu có tổng diện tích đã lấp đầy khoảng 10.283 ha và6 KCN có trong quy hoạch quốc gia cùng với chuẩn bị đầu tư thực hiện 10 KCN đề xuất mới.
Bình Dương quy hoạch, phát triển các KCN mới hướng đến hiện đại, sinh thái, thông minh. Trong ảnh: Một góc KCN Bàu Bàng
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Để tăng sức cạnh tranh, Bình Dương đang tập trung thu hút đầu tư vào các KCN được quy hoạch. Theo lãnh đạo tỉnh, với những định hướng về quy hoạch, Bình Dương đang dành 20.000 ha phát triển đô thị và 25.000 ha đất để phát triển công nghiệp. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã sắp hoàn thành những bước cuối. Dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 tới.
Với mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Bình Dương trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, công nghiệp - dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các KCN, đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu hình thành KCN Khoa học công nghệ. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thành lập KCN công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, xây dựng chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía Nam sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch.
KCN Bình Đường (phường An Bình, TP.Dĩ An) là KCN đầu tiên được chuyển đổi công năng, thực hiện di dời thí điểm. Được thành lập từ năm 1993, quy mô 16,5 ha, KCN Bình Đường hiện có 11 doanh nghiệp (DN) hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động. Đến nay, chủ đầu tư KCN và DN tại đây đều đồng thuận với chủ trương chuyển đổi công năng, di dời nhà máy lên khu vực phía Bắc của tỉnh.
Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết Bình Dương đang tăng tốc, nhanh chóng mở rộng diện tích các KCN theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua đồ án quy hoạch KCN VSIP III (giai đoạn 2), hơn 800 ha và KCN Cây Trường 700 ha, các KCN này đang tiến hành hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón thêm dòng vốn mới. Để thúc đẩy, mở rộng cơ hội kinh doanh và đầu tư của các DN FDI đến và gắn bó với Bình Dương, giai đoạn 2023-2025, Bình Dương đầu tư 2 KCN, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000 ha. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh dự kiến đầu tư 8 KCN với tổng diện tích khoảng 6.000 ha.
Tăng sức cạnh tranh, tính bền vững
Thực tế cho thấy, các KCN truyền thống chỉ có các nhà máy sản xuất, đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, xu hướng phát triển KCN hướng tới yếu tố xanh, bền vững đang thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo các chuyên gia, mô hình phát triển KCN theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất dần không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Do đó, việc xây dựng và phát triển mô hình KCN công nghệ cao, KCN sinh thái… đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xanh là rất cần thiết.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho rằng KCN thông minh - sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu nhằm bổ sung cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ hiện hữu. “Trong tương lai, các KCN truyền thống sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay thế cho nhóm này là các KCN hướng tới yếu tố xanh, thông minh và bền vững, các dự án công nghệ cao sử dụng nguyên liệu sạch, giảm phát thải khí carbon ra môi trường”, ông Phạm Ngọc Thuận cho biết.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Thuận, các nhà đầu tư, nhất là DN FDI phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm sạch (từ nguồn nguyên liệu đến khâu sản xuất, cung cấp) và có nguồn gốc rõ ràng để được chấp nhận vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh. Do đó, việc nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên thông minh hơn, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... giúp DN dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động.
Theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, đặc biệt tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp gắn với đô thị - dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các nhà đầu tư quốc tế. Việc xây dựng các KCN thế hệ mới được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Phát triển KCN xanh cũng giúp địa phương tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, hướng đến thực hiện cam kết giảm phát thải khí carbon về 0 vào năm 2050.
NGỌC THANH