Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tuyến đường Vành đai 4
(BDO) Ưu tiên nguồn vốn để giải phóng mặt bằng
Dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-9-2011, có tổng chiều dài khoảng 200km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và Long An. Tuyến đường rộng từ 6 đến 8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (địa bàn thị xã Phú Mỹ), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước, TP.Hồ Chí Minh.
Công trình đường Vành đai 4, đoạn đầu cầu Thủ Biên trên địa bàn tỉnh đang được thi công. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Ngày 29-9-2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao 5 tỉnh, thành gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thuộc đường Vành đai 4. Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương được giao triển khai thực hiện đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn) với chiều dài khoảng 49km. Hiện nay, một số đoạn đi qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát đã hoàn thành. Một số đoạn đang trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng để thi công theo quy hoạch.
Dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-9- 2011, có tổng chiều dài khoảng 200km. Đây không chỉ là tuyến đường nhằm giảm áp lực giao thông nội bộ cho các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là tuyến giao thông huyết mạch đối với nhiều địa phương trong vùng; đồng thời góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy giao thương, phục hồi kinh tế toàn vùng. |
Khảo sát thực địa một số đoạn thuộc tuyến đường Vành đai 4 trên địa phận tỉnh Bình Dương vào sáng qua, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các địa phương ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng; đối với những đoạn mở mới phải làm đúng chuẩn thiết kế của dự án, đồng thời tính toán thực hiện ngay việc nối tuyến đối với những đoạn đã hoàn thành thi công. Hiện nay, tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hoàn thành trên 20km bằng ngân sách địa phương. Trong đó, hai đoạn hoàn thành dài nhất là 12,5km và 6,76km.
Sau khi nghe các sở, ngành, địa phương liên quan báo cáo tình hình triển khai các đoạn, tuyến thuộc dự án đường Vành đai 4, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để kịp thời bàn giao đơn vị thi công tổ chức thi công bảo đảm tiến độ đề ra. Hiện nay, tỉnh đang và sẽ triển khai một số dự án giao thông quy mô lớn, như: Quốc lộ 13 mở rộng, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ưu tiên vốn để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông, góp phần kết nối phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với những đoạn, tuyến đã hoàn thành, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tính toán nối tuyến, đồng thời những đoạn làm mới phải được thực hiện đúng thiết kế đã được duyệt.
Xây dựng đô thị công nghiệp tiêu biểu
Tại cuộc khảo sát, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thông tin quy hoạch phát triển các đô thị dọc tuyến Vành đai 4 như Khu đô thị Tân Mỹ - Thường Tân (Bắc Tân Uyên), Khu đô thị Uyên Hưng, Khu đô thị Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên), Khu đô thị Hòa Lợi (TX.Bến Cát)... Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành quy hoạch các đô thị dọc tuyến đường Vành đai 4 phải bảo đảm hài hòa với quy hoạch chung của tỉnh; đồng thời phát huy tối đa lợi thế của tuyến đường mang lại. Tới đây, tỉnh cũng sẽ làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để tính toán dành thêm quỹ đất để phục vụ phát triển các đô thị, nhằm hướng đến xây dựng đô thị công nghiệp tiêu biểu của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Lợi (hàng trước, bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn công tác khảo sát dự án đường Vành đai 4 và quy hoạch phát triển đô thị dọc tuyến đoạn qua tỉnh Bình Dương tại điểm giao với đường ĐT741 (phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát). Ảnh: QUỐC CHIẾN
Sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh cũng đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị lễ khởi công Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) 3. Dự án có tổng diện tích 1.000 ha được xây dựng tại phường Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên) và xã Tam Lập (huyện Bắc Tân Uyên). Đây là VSIP thứ 10 được xây dựng tại Việt Nam và là VSIP thứ 3 được xây dựng tại Bình Dương. Lãnh đạo tỉnh cũng đến kiểm tra công tác chuẩn bị lễ khởi công Khu nhà ở xã hội Định Hòa (Thành phố mới Bình Dương).
TRÍ DŨNG