Đẩy nhanh kết nối dữ liệu tiêm chủng với cơ sở dữ liệu quốc gia
(BDO) Tiến độ “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng chậm
Để kết nối dữ liệu tiêm chủng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn các địa phương truy xuất dữ liệu trên nền tảng tiêm chủng Covid-19.
Đến nay, toàn tỉnh còn hơn 1,3 triệu trường hợp bị sai sót, thiếu thông tin hoặc không có căn cước công dân, mã định danh, bao gồm hơn 1,1 triệu trường hợp cần xác minh thông tin, hơn 52.700 trường hợp sai định dạng mã định danh hoặc căn cước công dân và hơn 204.000 không có căn cước công dân, mã định danh. Các trường hợp bị sai, thiếu thông tin, tập trung nhiều tại TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát. Các địa phương còn lại có hàng ngàn trường hợp cần bổ sung, xác thực dữ liệu.
Sau gần 1 tháng triển khai, toàn tỉnh đã “làm sạch” hơn 32.300 trường hợp.
Trước đó, Sở Y tế đã tổ chức các buổi đánh giá kết quả rà soát số liệu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để chấn chỉnh các hoạt động. Ngành cũng tham mưu UBND tỉnh thành lập 2 tổ rà soát số liệu tiêm vắc xin tại các địa phương, gồm lãnh đạo Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.
Đội nhập liệu tiêm chủng TX.Tân Uyên đẩy nhanh tiến độ nhập liệu tại điểm tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Các tổ rà soát số liệu đã khẩn trương kiểm tra, rà soát số liệu tiêm vắc xin tại 9 huyện, thị, thành phố. Song song với các tổ rà soát số liệu của Ban Chỉ đạo tỉnh, ngành y tế cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các địa phương rà soát số liệu do Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì, triển khai tại các xã, phường, thị trấn có số liệu phức tạp. Đặc biệt, Sở Y tế cũng tổ chức các lớp tập huấn “làm sạch” dữ liệu về tiêm vắc xin ngừa Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhìn nhận thực tế, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tiến độ làm sạch dữ liệu tiêm chủng chậm, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước đây, đối với việc khai báo thông tin của người bệnh khi đi khám chữa bệnh đều không có thông tin về căn cước công dân, do đó phần lớn hệ thống thông tin y tế, cơ sở dữ liệu ngành y tế đang triển khai không có thông tin căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân để có thể kết nối xác thực chia sẻ. Bên cạnh đó, phần mềm tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 chưa có giao diện cho tuyến tỉnh, huyện trong việc đánh giá tiến độ thực hiện tại từng địa phương.
Cùng với đó, nhân lực y tế cơ sở còn thiếu, khối lượng công việc nhiều. Trong khi đó, thời gian gần đây ngành y tế vừa bảo đảm tiến độ kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lớn, trẻ em, nhất là tiến độ, an toàn tiêm chủng các đợt tiêm chủng vắc xin cho trẻ em 5-11 tuổi; công tác phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm các chương trình mục tiêu y tế - dân số sau khi tình hình dịch bệnh ổn định... gây khó khăn trong việc đẩy nhanh “làm sạch” thông tin tiêm chủng tại địa bàn.
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng đang gặp khó khăn do nhiều người bị sai số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ nơi thường trú.
Năm 2021, Bình Dương là tâm dịch Covid-19 của các tỉnh miền Đông Nam bộ. Nhiều người dân các tỉnh đến sinh sống tại Bình Dương khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhưng ghi địa chỉ không cụ thể hoặc không chính xác.
Nhiều trường hợp người lao động không còn lưu trú tại địa phương nên cơ quan chức năng khó tiếp cận để xác thực dữ liệu. Có trường hợp khi tiêm vắc xin chỉ ghi thông tin năm sinh mà không có ngày, tháng, năm sinh nên không thể nhập thông tin đầy đủ, do đó hệ thống phần mềm báo lỗi liên tục. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm, thiếu sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vào cuộc.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An đề nghị tỉnh sớm có biện pháp tháo gỡ vướng mắc với những trường hợp đã rà soát nhưng không xác định được thông tin hoặc không còn lưu trú trên địa bàn.
Theo các ngành, địa phương, công tác “làm sạch” dữ liệu có sự tham gia của lực lượng công an cơ sở nhưng lại thiếu sự chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 cơ sở; không huy động sự vào cuộc của các lực lượng khác để hỗ trợ ngành y tế nên tiến độ thực hiện rất chậm. Một số trường hợp thông tin trên phần mềm tiêm chủng đã đúng và khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng hệ thống vẫn báo sai, dẫn đến cơ sở y tế mất nhiều thời gian xác minh, sàng lọc đối tượng.
Khó khăn nữa đó là, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại tỉnh, tiêm chủng cho người dân là ưu tiên hàng đầu nên rất nhiều người dân khai thông tin không đầy đủ, chính xác dẫn tới không đủ thông tin để tiến hành xác minh.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Việc rà soát, “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng để đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là yêu cầu cấp thiết của Chính phủ, có tỉnh Bình Dương. Liên thông dữ liệu không chỉ phục vụ dữ liệu về tiêm chủng Covid-19 mà còn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chuyển đổi số ngành y tế, hướng đến bệnh viện thông minh và tạo mọi tiện ích cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ y tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện, thị, thành phố tiếp tục bám sát hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng. Bước đầu, các địa phương cần phân loại, chia thành các nhóm đối tượng để rà soát.
Lực lượng công an, y tế làm nòng cốt, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội ở khu dân cư, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các xã, phường, thị trấn tham khảo kinh nghiệm từ các đơn vị làm tốt, có cơ chế kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn cơ sở tháo gỡ khó khăn, kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh phương hướng giải quyết.
Kim Hà