Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần lắm tình yêu thương, thông cảm!

Thứ tư, ngày 14/08/2013

Dạy nghề đã khó, dạy cho học viên khuyết tật càng khó hơn. Thế nên rất cần sự chịu thương chịu khó và cả cảm thông, chia sẻ của người thầy để các em có nghề nghiệp, ổn định cuộc sống…

Đó là ý kiến của ông Ninh Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong buổi lễ tốt nghiệp khóa dạy nghề tại Trung tâm Dạy nghề người tàn tật. Với những học viên là người khuyết tật (NKT), sự cố gắng của trung tâm, của thầy cô giáo phải được nhân lên nhiều hơn mới hy vọng có kết quả tốt đẹp. Nhà nước hỗ trợ kinh phí một phần, phần còn lại, tất cả đều phải cố gắng từ học viên đến thầy cô giáo cũng như cần có sự quan tâm chăm sóc thật tốt từ gia đình, xã hội.  

 Em Trần Thái Bảo Trân đang theo học nghề in lụa tại Trung tâm Dạy nghề dành cho người tàn tật

Tại buổi lễ tổng kết khóa học nghề thứ VII (2012-2013) vừa được tổ chức, chúng tôi bắt gặp ánh mắt ngơ ngác của cô bé Trần Thái Bảo Trân. Đã 17 tuổi nhưng em suy nghĩ, hành động trẻ con hơn nhiều so với tuổi của mình. Em theo học nghề in lụa ở trung tâm với hy vọng có nghề và thu nhập ổn định để tự lo cho bản thân. Cô Trần Kim Phượng, người giới thiệu em đến đây kể: “Nhà con bé ở Lái Thiêu, TX.Thuận An. Hoàn cảnh nó tội nghiệp lắm. Mẹ mất vì tai nạn giao thông. Ba mất vì ung thư phổi. Anh chị nó đi làm sợ em bị người xấu dụ dỗ rồi bỏ nhà đi nên đành lòng xích chân nó lại. Khi tôi biết có trung tâm dạy nghề cho NKT liền đưa nó đến học”. Nhiều phụ huynh khác vui mừng khi con mình tưởng như “hết cơ may về việc làm” nay đã biết in lụa, may công nghiệp, đánh vi tính…

Ông Phan Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề người tàn tật cho biết, để hoàn thành chương trình học, cả học viên và giáo viên đều cố gắng thật nhiều. Trung tâm cũng thông báo thường xuyên về tình hình sức khỏe, kết quả học tập của các em cho gia đình biết để hỗ trợ thêm. Ông cũng cho rằng, tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung tâm sẽ thực hiện đúng và đầy đủ các chương trình đào tạo, việc làm nhằm giúp học viên tiến bộ hơn, có thành tích học tập tốt và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cần tuyển dụng.

Trao đổi với chúng tôi về việc dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, ông Nguyễn Cường, Trưởng phòng Sản xuất và Tạo việc làm cho NKT nói: “Tổng số học viên hiện nay của trung tâm là 95 em, tăng 10 em so với năm 2012. Các em được học tin học, điện cơ, điện tử, in lụa, may, dệt. Trung tâm có 3 giáo viên cơ hữu và 6 giáo viên thỉnh giảng đều có kỹ năng sư phạm tốt, biết yêu thương, thông cảm với học viên. Giáo trình, tài liệu được soạn thảo phù hợp với trình độ tiếp thu của các em. Để các em học tập tốt, bộ phận nghiệp vụ luôn theo dõi sâu sát, kịp thời báo cáo để chấn chỉnh các em như: chây lười, không tập trung, không bảo đảm đúng tiết học…”. Một điều đáng mừng từ năm 2006 (năm bắt đầu đào tạo nghề cho NKT) đã có nhiều em sau khi tốt nghiệp được một số doanh nghiệp nhận vào làm. Tính đến nay đã có 116 học viên khuyết tật của trung tâm đã xin được việc làm.

Dạy nghề và giới thiệu việc làm cho NKT đang thật sự cần thiết nhằm tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định để nâng cao mức sống, từng bước hòa nhập vào cuộc sống. Điều này cần có sự liên kết từ các doanh nghiệp để NKT có nhiều cơ hội kiếm việc làm hơn.

Theo Luật NKT được Quốc hội ban hành số 51/2010, Nhà nước bảo đảm để NKT được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác. Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi NKT học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề. Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho NKT phải bảo đảm điều kiện dạy nghề và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. NKT học nghề, giáo viên dạy nghề cho NKT được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Nhà nước tạo điều kiện để NKT phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng NKT có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của NKT… Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là NKT được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 34 của Luật NKT.

 QUỲNH NHƯ