Dạy nghề cho nông dân: Vấn đề cấp bách

Thứ tư, ngày 05/10/2011

Học viên (HV) đi học không phải đóng học phí, không tốn tiền mua nguyên vật liệu thực hành; người học được “cầm tay chỉ việc” để trong một thời gian ngắn có thể áp dụng vào thực tế... Đó là “chân dung” những lớp dạy nghề ngắn hạn dành cho nông dân (ND) của Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ ND tỉnh.  Lớp kỹ thuật cạo mủ cao su thu hút đông đảo ND tham gia

 Lớp học về làng...

Không giống những lớp học khác, HV quần áo chỉnh tề, đến lớp có bảng đen phấn trắng, phòng học khang trang; lớp học dành cho ND được tổ chức lưu động xuống xã phường, khu ấp và đến tận khu dân cư. Có những lớp là vườn cao su mát rượi hay vườn cây kiểng với đủ loại cây cỏ, thế thần... HV là những nông dân thứ thiệt với đủ lứa tuổi, trình độ. Đến lớp, thầy - trò cùng trao đổi... về cách trồng và chăm sóc nấm, nuôi cá kiểng sao cho hiệu quả hay cạo cây cao su cho đúng kỹ thuật bảo vệ vườn cây thu được nhiều mủ nhất...

Tâm lý thoải mái được thực hành gắn liền với lý thuyết nên các HV dễ dàng tiếp thu kiến thức. Một lớp học dao động khoảng 40 - 50 HV nên thầy - trò dễ dàng trao đổi. Những vấn đề vướng mắc được tháo gỡ cũng tạo sự thích thú yên tâm cho ND. Từng là HV của lớp dạy nghề, anh Nguyễn Thanh Hùng ở TX.Thuận An chia sẻ: “Có những vấn đề tưởng chừng rất đơn giản nhưng khi áp dụng vào thực tế thì lọng cọng, không biết xử lý ra sao; muốn hỏi thì cũng không biết hỏi ai. Đến với lớp học này, mình vừa học vừa thực hành nên dễ nắm bắt các kiến thức. Cái gì khúc mắc, thầy - trò cùng nhau gỡ nên mình rõ tường tận; sau khi “ra trường”, mình mạnh dạn áp dụng vào thực tế”.

Hay ông Phan Minh Hòa, thành viên Câu lạc bộ Hoa lan của TX.TDM đã rất thành công với mô hình trồng hoa lan cắt cành. Ông Hòa cho biết, sau khi được “cầm tay chỉ việc” và thấy mô hình trồng hoa lan có tiềm năng nên mạnh dạn đầu tư. Với mô hình này đã đem về cho ông từ 55 - 60 triệu đồng/mỗi năm. Thấy hiệu quả cao nên ông Hòa quyết định mở rộng diện tích trồng lan lên trên 3.000 cây.

Vấn đề cấp bách

Anh Trương Thành Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ ND tỉnh cho biết, nắm bắt nhu cầu của ND nên trung tâm thường mở các lớp dạy nghề ngắn hạn từ 7 - 10 ngày với các ngành nghề như: kỹ thuật cạo mủ cao su, trồng hoa kiểng, trồng nấm, nuôi cá kiểng... Từ năm 2007 đến nay, trung tâm đã tổ chức được 68 lớp dạy nghề ngắn hạn với gần 3.000 HV. Qua các lớp đào tạo, ND đã nắm bắt được kỹ thuật để ứng dụng thành công vào mô hình sản xuất của mình. Nhiều người sau khi học nghề đã mạnh dạn đứng ra xây dựng mô hình cho riêng mình. Một số mô hình được áp dụng đem lại hiệu quả cao như mô hình trồng hoa lan, rau mầm, trồng nấm... Bên cạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường, trung tâm còn liên kết dạy nghề cho ND theo địa chỉ. Theo anh Quang thì hiện nay, lớp học theo địa chỉ được nhiều người quan tâm nhất chính là lớp kỹ thuật cạo mủ cao su. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trung tâm đã mở được 4 lớp với gần 300 HV. Lứa tuổi chủ yếu khoảng 15, 16 tuổi...

Bình Dương trong quá trình đô thị hóa khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Vì vậy, việc tập trung triển khai các chương trình nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị đem lại hiệu quả kinh tế cao là vấn đề quan trọng. Nó vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, để giúp ND mạnh dạn chuyển đổi mô hình thì việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là vấn đề cấp bách.

Ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, cho biết hội xác định, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để ổn định cuộc sống là vấn đề cần được quan tâm. Vì vậy, hội đang có kế hoạch nâng cấp, đầu tư trang thiết bị dạy nghề, trong đó, hội tập trung việc chuyển đổi nghề cho ND để phù hợp với quá trình đô thị hóa, phục vụ nông nghiệp đô thị. Theo đề án, Hội ND tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ dạy nghề cho khoảng 2.000 ND/năm.

THU THẢO