Dạy mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch: Khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh
Năm học 2014-2015, các trường tiểu học trong tỉnh bắt đầu triển khai giảng dạy môn mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch. So với phương pháp truyền thống, phương pháp mới phát huy khả năng sáng tạo cao của học sinh, tiết học thoải mái, sinh động hơn. Từ môn học này tạo cơ hội cho học sinh thực hành, ứng dụng trong học tập và cuộc sống.
(BDO)
Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du trong một tiết học mỹ thuật theo phương pháp mới. Ảnh: A.SÁNG
Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP.Thủ Dầu Một) là trường đầu tiên triển khai dạy môn mỹ thuật theo phương pháp mới. Theo dõi tiết học vẽ tự do theo “quy trình vẽ cùng nhau” của học sinh (HS) lớp 1, chúng tôi thấy giờ học thật thoải mái, sinh động. Đầu tiên, thầy Mai Thành Trung hỏi nhà HS có trồng những loại hoa gì, nuôi con gì? Sau đó thầy chia lớp ra thành nhiều nhóm, HS thảo luận chủ đề sẽ vẽ. Những tác phẩm hoàn thành không giống nhau, mà tùy vào sự sáng tạo của các thành viên trong nhóm. Làm việc theo nhóm và vẽ theo ý thích, HS tỏ ra hào hứng học, chứ không gò bó như cách dạy truyền thống HS phải vẽ theo khuôn mẫu.
Giờ học môn mỹ thuật của HS trường Tiểu học Phú Lợi (TP. Thủ Dầu Một) cũng rất thú vị. Bài học mới các em được làm quen là “quy trình vẽ biểu cảm không nhìn giấy”, chủ đề được cô đưa ra là vẽ cái cốc (ly). Cô giáo giới thiệu những kiểu dáng khác nhau. Từ những chiếc cốc mẫu HS đem theo, HS nhìn vào cốc vẽ theo sự tưởng tượng mà không nhìn vào giấy, sau đó các em điều chỉnh những chi tiết thừa. Rõ ràng, với phương pháp học mới HS vừa học, vừa chơi, vừa sáng tạo nên em nào cũng mong chờ đến tiết học mỹ thuật. Cô Nguyễn Thị Thỏa, chia sẻ ưu điểm của phương pháp này là HS được tự do sáng tạo, trong mỗi tiết học, HS khám phá ra những điều mới mẻ hơn.
Qua một thời gian dạy theo phương pháp mới, thầy Trần Huỳnh Thảo Nguyên, trường Tiểu học Bình Nhâm (TX.Thuận An) đã rút ra nhận xét, nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo, phát triển khả năng giao tiếp, kỹ năng trình bày sản phẩm của mình trước đám đông, đặc biệt đây là phương pháp mới nên kích thích việc khám phá của HS, tạo hứng thú trong tiết học.
Trước khi triển khai dạy môn mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, trong hè, ngành giáo dục - đào tạo đã tập huấn cho toàn thể giáo viên dạy môn mỹ thuật ở cấp tiểu học. Do mới thực hiện khoảng 3 tháng nên giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ. Để giáo viên cùng chia sẻ kinh nghiệm đối với cách dạy mới, phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố đã chia ra những cụm trường tiểu học và các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thao giảng tiết dạy mẫu. Theo thầy Mai Thành Trung, phương pháp Đan Mạch dạy theo 7 quy trình: vẽ theo nhạc, tạo hình 3D, vẽ biểu cảm, vẽ cùng nhau, xây dựng cốt truyện, tạo hình con rối và hoạt cảnh và quy trình hoạt động liên kết HS với tác phẩm mỹ thuật.
Dù giáo viên ở các trường tiểu học có cố gắng đổi mới phương pháp dạy, nhưng do thầy cô còn bỡ ngỡ, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng, chưa có sách giáo khoa mới nên các trường còn gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Thầy Trần Huỳnh Thảo Nguyên cho biết: “Để tiết dạy đạt hiệu quả cần có thời gian giảng dạy từ 40 - 45 phút, trong khi hiện tại tiết học của các em chỉ 35 phút. Và để tiết học được phong phú, việc chuẩn bị của giáo viên cũng đòi hỏi có nhiều thời gian hơn”. Với những khó khăn trên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện đa số giáo viên chưa hoàn toàn dạy theo phương pháp mới mà kết hợp với cách dạy truyền thống như trước đây.
Ông Lê Văn Thu, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT:
Thời gian qua, mặc dù đã thay đổi việc đánh giá, cho điểm đối với các môn nghệ thuật bằng đạt hay không đạt, hoàn thành hay chưa hoàn thành, nhưng thực tế cho thấy những thay đổi này chỉ mang tính hình thức, còn về bản chất thì không có gì thay đổi. Phương pháp dạy học mới không chỉ đơn giản là cung cấp tri thức, hướng dẫn thực hành, mà còn phát triển các năng lực toàn diện cho HS như: năng lực trải nghiệm, biểu đạt, phân tích - giải thích, trình bày, giao tiếp - đánh giá.
A.SÁNG