Đẩy mạnh xúc tiến thương mại xuất khẩu gỗ

Thứ tư, ngày 11/03/2020

(BDO) Không chịu nhiều tác động về nguyên liệu từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) trong ngành xuất khẩu gỗ Bình Dương chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường nhằm đạt mục tiêu đề ra trong năm 2020.

Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty Tiến Phúc (TX.Tân Uyên) 

 Vững tin vào thị trường

Ngành gỗ không bị tác động lớn ở khâu nguyên liệu trong bối cảnh dịch Covid-19. Một số DN sản xuất sofa có thể bị ảnh hưởng do nguồn vải nhập từ thị trường Trung Quốc, nhưng nhìn chung toàn ngành không bị tác động nhiều. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), thời điểm này các DN ngành gỗ chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19, xuất khẩu (XK) toàn ngành trong những tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Lũy kế 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 548,5 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,8% tổng kim ngạch XK của cả tỉnh.

Bước sang năm 2020, dù tình hình kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng gỗ lại là ngành được hưởng lợi. Các doanh nghiệp gỗ vững tin kim ngạch XK sẽ đạt mức tăng trưởng 20% trong năm 2020. Nguyên nhân được nhiều DN trong ngành đưa ra là, năm 2019 bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngành gỗ vẫn tăng trưởng 22%, với kim ngạch đạt khoảng 11,2 tỷ USD. Trên quan điểm này, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương nhận định hiện nay, nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã ngưng hoạt động để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, các đơn hàng sản xuất đồ gỗ đổ dồn vào các nước khác, trong đó có Việt Nam. “Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng chúng tôi dự đoán, trong năm nay mức tăng trưởng của ngành gỗ sẽ vào khoảng 20%”, ông Điền Quang Hiệp quả quyết.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành gỗ ít chịu tác động của dịch Covid-19 là do không phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Theo bà Đỗ Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam (TX.Tân Uyên) chỉ rõ, nguyên liệu gỗ hiện chủ yếu được sản xuất trong nước và nguồn gỗ khác được nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Canada, châu Âu. Hiện có đến 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đang nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam, trong đó các thị trường chính cũng là những thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, với kim ngạch trên 1 tỷ USD/năm/thị trường, chiếm đến 86,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Còn lại những thị trường đang tăng nhập khẩu theo từng năm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đức, Hà Lan… Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam còn tận dụng được các cơ hội xuất khẩu gỗ nhiệt đới tốt hơn các quốc gia cạnh tranh như Indonesia và Malaysia do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Thêm vào đó, Việt Nam đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Những thị trường đối tác từ các FTA như Nhật Bản và Canada là các thị trường thành viên trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang 2 thị trường này ngoài việc gia tăng kim ngạch từ năm 2019, đến nay Việt Nam còn tận dụng được hiệu quả các cam kết từ CPTPP làm tăng khả năng cạnh tranh của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam so với các nguồn cung khác ngoài CPTPP, giúp cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mở rộng tại đây. Châu Âu (EU) cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chính đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, sản phẩm gỗ của Việt Nam tiêu thụ tốt hơn, nhờ việc cắt giảm hàng rào thuế quan theo lộ trình, cạnh tranh hơn so với hàng hóa từ các quốc gia khác không có FTA với EU.

Chủ động nắm bắt thời cơ

Có thể thấy ngành gỗ xuất khẩu đang đứng trước thời cơ thuận lợi. Các sản phẩm gỗ và đồ gỗ của Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới. Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết một tín hiệu vui cho ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam khi cơ hội tham gia một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng đồ gỗ thế giới ngày càng mở rộng. Mới đây, Ban tổ chức hội chợ đồ gỗ Las Vegas (Mỹ) đã gửi thư ngỏ với mong muốn các nhà cung cấp gỗ Việt Nam tham gia vào tháng 7-2020, đồng thời sẽ cùng với Cục xúc tiến Thương mại làm việc với Tạp chí Furniture Today quảng bá đồ gỗ Việt Nam. Theo đề án hỗ trợ DN, Cục xúc Tiến thương mại đã gửi thông tin đăng ký tham gia đoàn xúc tiến thương mại cho hiệp hội gỗ tại các tỉnh, thành phố và nhận được sự hưởng ứng của nhiều DN. Trong đó, ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty Liên Thành (TX.Bến Cát) coi đây là cơ hội tốt để tiếp cận các nhà phân phối lớn trên toàn cầu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Bình Dương đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại điện tử, tháo gỡ tình trạng khó khăn trong hoạt động giao thương đang bị đình trệ do dịch Covid-19. Mới đây, BIFA đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước nhằm chuyển đổi số và thúc đẩy bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Cụ thể, BIFA đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với FPT nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp gỗ để giúp tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. FPT cũng xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ, góp phần số hóa các hoạt động quản trị cũng như tư vấn và giới thiệu các công nghệ và thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

 Theo lãnh đạo BIFA, sự phát triển của các công cụ thương mại điện tử, nền tảng số cùng các thiết bị giúp giải quyết khâu tiếp cận khách hàng nhanh chóng mà không nhất thiết cần đến mặt bằng quá rộng và nhiều nhân lực, hoạt động 24/24, xóa đi khoảng cách địa lý, tiếp cận và hiểu nhà sản xuất ở mức tốt nhất có thể, rút ngắn thời gian tiến trình đặt hàng. Khoảng cách kinh doanh giữa trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) được kéo giảm tạo nên sự cộng hưởng nguồn lực. Mô hình nền tảng kinh doanh từ offline đến online (O2O) hứa hẹn là nền tảng kinh doanh vững chắc giúp doanh nghiệp đồ gỗ duy trì và tăng trưởng một cách bền vững, đáng chú ý là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

TIỂU MY

Từ khóa: