Đẩy mạnh tuyên truyền: Giải pháp thúc đẩy người dân ưu tiên dùng hàng Việt

Thứ hai, ngày 28/08/2023

(BDO) Tại các hệ thống phân phối hiện đại, hàng Việt đã chiếm tỷ lệ hơn 95% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Đối với các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm từ 80 - 90%. Đây cũng là cơ sở để việc sử dụng hàng nội địa dần trở thành thói quen của người dân.

 Giới thiệu hàng mỹ nghệ truyền thống Bình Dương tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary

Nhiều giải pháp tuyên truyền hàng Việt

Tuy là địa bàn có tốc độ phát triển thương mại cao, tập trung nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng nhỏ lẻ nhưng công tác tuyên truyền, hỗ trợ tiêu thụ thị trường nội địa gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vẫn được TP.Thủ Dầu Một quan tâm. Điển hình mới đây, tại chương trình trao quà cho học sinh nghèo hiếu học, thành phố đã lồng ghép vào chương trình “Phiên chợ vui” để trao quà cho các hộ gia đình khó khăn. Quà là nhu yếu phẩm có xuất xứ Việt Nam, nhằm tác động đến thói quen, ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt trong người dân.

Ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, cho biết thời gian qua thành phố đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố để mọi người hưởng ứng, tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bán lẻ như Siêu thị Co.opmart, GO!… cũng chủ động tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm thương hiệu Việt, đặc biệt là các chương trình giảm giá cho các hộ nghèo nhằm kích cầu tiêu dùng trong tầng lớp nhân dân.

Không chỉ có TP.Thủ Dầu Một, các huyện, thị, thành phố khác trên địa bàn tỉnh cũng đều tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động trên bằng nhiều thức phong phú. Theo bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua thực tế triển khai cuộc vận động, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của các địa phương để quảng bá hàng Việt. Cụ thể như các mô hình: “Gian hàng 0 đồng cho người lao động”; “Phiên chợ công nhân” tại các khu công nghiệp và khu vực đông công nhân; “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”; “Ngày hội khởi nghiệp”… đã được triển khai rộng khắp ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp bán lẻ cũng là kênh quảng bá hữu hiệu, nhanh nhất để hàng Việt đến với người tiêu dùng ngày càng sâu rộng, đồng thời là cầu nối liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng; các chương trình bình ổn giá, các đợt đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa để người dân có cơ hội tiếp cận và sử dụng hàng Việt cũng như giúp người tiêu dùng nhận biết, mua sắm các mặt hàng Việt có chất lượng, giá cả hợp lý…

Tin dùng vì chất lượng

Tại Siêu thị GO! Bình Dương, chúng tôi gặp chị Trần Thị Mộng Trúc (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) đang đẩy xe hàng đầy ắp từ nước tương đến mì gói, phở gói, bánh ngọt… toàn là các thương hiệu trong nước. “Hầu hết các đồ gia dụng, thực phẩm, gia vị, hóa mỹ phẩm… nhà tôi sử dụng đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Doanh nghiệp Việt bây giờ đầu tư sản phẩm rất tốt, từ bao bì, mẫu mã đến chất lượng, giá cũng phù hợp với túi tiền gia đình. Vì vậy, tôi không ngần ngại mua nhiều vì các doanh nghiệp áp dụng các chương trình khuyến mại rất hấp dẫn cho người tiêu dùng”, chị Trúc vui vẻ cho biết.

Có thể thấy, để hàng Việt nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, bên cạnh việc tự thân doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm thì phải cần có công tác tuyên truyền, quảng bá của các ngành, các cấp. Đây là lợi thế, cơ hội để những nhà sản xuất trong nước có thể thắng trên thị trường sân nhà.

Bà Trần Thị Kim Lan cho rằng, các địa phương, đơn vị cần lựa chọn nội dung phù hợp truyền tải đến người dân để họ có định hướng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Cùng với việc quảng bá, giới thiệu, các mặt hàng Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng, giá thành cạnh tranh với hàng hóa các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần tăng cường phối hợp với ngành công thương tổ chức các phiên chợ hàng Việt, gian hàng bình ổn giá về khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, thương hiệu lớn tham gia vào các phiên chợ nhằm tăng sức ảnh hưởng; tổ chức hội chợ triển lãm, hội chợ hàng Việt giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao của tỉnh…

Trong năm 2022, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trên mạng xã hội do Công đoàn các cấp lập ra như Facebook, Zalo... Qua đó, đã có hơn 300 tin, bài liên quan đến cuộc vận động được chia sẻ… Thông qua các kênh tuyên truyền về cuộc vận động, các hoạt động quảng bá, giới thiệu hàng Việt đã góp phần thay đổi dần nhận thức của người dân về tiêu dùng, mua sắm hàng Việt; xu hướng ưu tiên sử dụng hng Việt đdần tăng lên, nhất lnhững mặt hng tiêu dng thiết yếu.

 THANH HỒNG