Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp
Những năm qua, nền kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, từ một tỉnh thuần nông trước đây đã trở thành một tỉnh công nghiệp hàng đầu cả nước. Chính vì thế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu công nghiệp trong nhiệm kỳ 2015- 2020 của Đảng bộ tỉnh chính là bước đột phá mới cho Bình Dương phát triển bền vững.
(BDO) Trong 5 năm tới, Bình Dương sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI
Công nghiệp tiếp tục tạo mũi nhọn đột phá
Khác với nhiều địa phương trong cả nước, Bình Dương bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp ở điểm xuất phát thấp là một tỉnh nông nghiệp, gần như chưa có cơ sở hạ tầng về công nghiệp. Điều này bắt buộc Bình Dương phải có bước đột phá, đi tắt đón đầu bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những yếu tố đó là: Đường lối, chính sách đổi mới của Ðảng và Nhà nước; đất đai, vị trí địa lý thuận lợi và người Bình Dương hào hiệp, năng động, đoàn kết, mà hạt nhân là sự lãnh đạo của Ðảng bộ, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở luôn đồng sức, đồng lòng.
Từ Khu công nghiệp Sóng Thần I được hình thành đầu tiên vào tháng 9-1995, đến nay Bình Dương đã phát triển được 28 khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, có tính kết nối cao với diện tích rất lớn; trong đó có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 65%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các cụm công nghiệp được tiếp tục đầu tư phát triển; hiện đã có 6/8 cụm hoạt động với diện tích gần 600 ha và tỷ lệ lấp đầy 45%.
Nhờ đó, công nghiệp của Bình Dương tiếp tục phát triển ổn định, giữ vững vai trò mũi nhọn đột phá. Năm 2014, ngành công nghiệp của địa phương thực hiện đạt hơn 187.000 tỷ đồng; đến năm 2015 ước đạt 217.527 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Bình quân giai đoạn 2011- 2015, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 15,7%/năm. Đến nay, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương. Nhờ đó, từ tỉnh nghèo, thuần nông, mới chỉ có vài doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến nay Bình Dương đã quy tụ nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đến đầu tư.
Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, công nghiệp của Bình Dương tiếp tục tạo mũi nhọn đột phá quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách dễ hiểu hơn, để có một Bình Dương năng động, phát triển đột phá, trở thành một trong 5 tỉnh, thành của cả nước thu hút được trên 20 tỷ USD như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn của việc thực hiện công nghiệp hóa. Nhờ công nghiệp hóa đã biến niềm tin, khát vọng đổi mới, khát vọng kiến tạo không ngừng của bao thế hệ lãnh đạo, nhân dân toàn tỉnh trở thành hiện thực như ngày hôm nay.
Tái cơ cấu để phát triển bền vững hơn
Trong những năm qua, Bình Dương đã từng bước chọn lọc và tập trung kêu gọi phát triển những dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao. Hầu hết vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp cho thấy sức phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành mũi nhọn này. Nhờ đó, ngành công nghiệp của Bình Dương tiếp tục phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Sản phẩm các doanh nghiệp làm ra đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong và ngoài nước.
Trong chiến lược phát triển kinh tế, Ðảng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Từ mục tiêu chiến lược của Ðảng, từ những thành công và những mặt còn hạn chế rút ra trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, Bình Dương xác định tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp lên tầm cao mới. Điều này trở thành nhu cầu bức thiết trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mà ngay trước mắt là một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được nước ta ký kết.
Bình Dương phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm công nghiệp lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Để đạt được mục tiêu đề ra, tới đây Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu; nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp phụ trợ; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo dự thảo các văn kiện trình Đại hội X Đảng bộ tỉnh, trong nhiệm kỳ mới sẽ cơ cấu lại các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu hướng vào thị trường các nước phát triển và khu vực; phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí, hóa chất…; tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phát triển công nghiệp ở phía nam của tỉnh theo hướng sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ; khuyến khích phát triển công nghiệp ở phía bắc gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển các vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, yêu cầu tái cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh cũng đặt ra vấn đề phát triển công nghiệp gắn với dịch vụ, hạ tầng xã hội, đồng thời bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn và bảo đảm quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân.
Bình Dương cũng sẽ tiếp tục có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân và đầu tư phát triển hạ tầng xã hội của tỉnh. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện hiệu quả việc phát triển kinh tế và chăm lo đời sống người lao động.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) diễn ra trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đứng trước cơ hội rất lớn từ Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một loạt hiệp định thương mại tự do khác. Ngành công nghiệp của Bình Dương đã có quá trình hội nhập từ nhiều năm trước, cộng với những lợi thế to lớn về hạ tầng, chính sách thông thoáng… Tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, mục tiêu tái cơ cấu công nghiệp của tỉnh sẽ được thực hiện thắng lợi, đưa công nghiệp tiếp tục là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.
KHÁNH VINH