Đẩy mạnh sản xuất cây có múi theo hướng hữu cơ

Thứ tư, ngày 13/01/2021

(BDO) Bước tiếp những thành công từ việc phát triển các vùng chuyên canh cây có múi, hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất tại Bắc Tân Uyên đã đẩy mạnh sản xuất cây có múi theo hướng hữu cơ, đem lại chất lượng tốt và hứa hẹn những “trái ngọt” bội thu từ vùng chuyên canh có tiếng này.

 Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến chăm sóc vườn cây trái của HTX

 Khẳng định thương hiệu

Thời gian qua, sự chuyển hướng phát triển cây có múi tại huyện Bắc Tân Uyên còn giúp đời sống của nhân dân ngày càng khá giả, nhiều nông dân vươn lên làm giàu, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương. Theo UBND huyện Bắc Tân Uyên, hiện cây ăn trái có múi như cam, bưởi da xanh, quýt và chanh dây không hạt là cây trồng chủ lực của huyện, đã hình thành được những vùng tập trung chủ yếu tại các xã: Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định và Hiếu Liêm.

Đa số các vùng chuyên canh này đều áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đạt năng suất cao, chất lượng tốt, sản xuất theo hướng quy mô, tập trung hàng hóa. Để phát triển diện tích cây ăn trái có múi, huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai 4 chương trình: Phát triển hạ tầng đồng bộ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hầu hết các trang trại, nhà vườn lớn trên địa bàn huyện đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu “xanh, sạch” của người tiêu dùng, nhiều HTX, hộ gia đình đã chuyển hướng sản xuất theo hướng hữu cơ. Kết quả, sản phẩm của Bắc Tân Uyên ngày càng khẳng định được uy tín và thương hiệu của mình. Với năng suất bình quân của các vườn cây ăn trái như bưởi, cam, mít thái… được nâng lên 50 tấn/ ha, HTX Nhân Đức (ở ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm) là một trong những HTX nông nghiệp điển hình của huyện Bắc Tân Uyên thực hiện việc canh tác theo hướng hữu cơ với tổng doanh thu trung bình trên 30 tỷ đồng/năm, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các thành viên. Cách đây 5 năm, HTX đã chú trọng việc trồng cây ăn trái hữu cơ, chất lượng và sản lượng vườn cây ăn trái có múi của HTX Nhân Đức luôn được nâng cao nhờ tận dụng được lợi thế về nguồn nước từ sông Đồng Nai, đất đồi cao rất thích hợp cho cây có múi, hạn chế được ngập úng, lại dễ xử lý cho ra trái nghịch vụ… Sản phẩm của HTX được công nhận, cấp thương hiệu logo cam, bưởi hữu cơ USDA Jarkartan - Hà Lan hồi năm 2018. Điều này đã giúp trái cây hữu cơ của HTX được đưa đi giới thiệu và tiêu thụ ở các cửa hàng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, cho hay bưởi, cam, quýt ở vùng đất này rất đặc biệt, được tiếng là thơm ngon bởi vỏ mỏng, nhiều nước, vị ngọt có hậu chua nhẹ, ít nơi nào có được. Trước đây, đa số bà con canh tác theo hướng tự phát, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán không được cao. Qua nhiều năm, bà con đã rút ra được kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc theo hướng hữu cơ sạch nên sản phẩm làm ra được thương lái săn đón, giá lại ổn định.

Vững vàng trên thị trường

Vừa làm kỹ thuật, vừa chịu trách nhiệm với thị trường cho các thành viên trong HTX, ông Tiến luôn trăn trở. “Ngoài việc hướng đến sản xuất hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, các thành viên trong HTX sẽ cùng nông dân tiếp tục nỗ lực đưa nông sản sạch của Bình Dương đi xa hơn bằng mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững vàhướng đến người tiêu dùng “sạch” đang mỗi ngày một nhiều hơn”, ông Tiến chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế UBND huyện Bắc Tân Uyên, toàn huyện có gần 2.600ha cây ăn trái, với sản lượng bình quân đạt trên 50 tấn/ha/ năm, mang lại thu nhập từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Với cây bưởi, huyện có trên 115ha cho thu hoạch bình quân gần 20 tấn/ha/năm và thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha. Đối với cây quýt đường, Bắc Tân Uyên hiện có 42ha đang cho thu hoạch, sản phẩm đạt từ 40 - 50 tấn/ha/năm, mang lại thu nhập gần 800 triệu đồng/ha/năm. Nhiều HTX trồng cây ăn trái có múi ở Bắc Tân Uyên được đánh giá là hoạt động có hiệu quả.

Để cây có múi phát triển căn cơ trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thuận cho biết huyện tiếp tục xây dựng và triển khai quy hoạch vùng trồng chuyên canh cây ăn trái có múi; đầu tư phát triển hạtầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện và thương mại; tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp đến nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai các đề tài, dựán nhằm hỗ trợ phát triển, chăm lo đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái có múi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện.

 Toàn huyện hiện có 15 HTX, 6 tổ hợp tác đang hoạt động ổn định trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải, xây dựng, sản xuất, tiểu thủ công nghiệp… Trong đó, có thể thấy rõ dấu ấn của các HTX trồng cây ăn trái có múi. Ngoài HTX Nhân Đức, có thể kể đến HTX Nhuận Đức hay HTX cây ăn quả Tân Mỹ, HTX Năm Hạng… Đây là những điển hình tiên tiến về mô hình kinh tế hợp tác, sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả cao.

 TIỂU MY