Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Thứ hai, ngày 26/11/2018

(BDO) Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cũng như mở ra cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với người tiêu dùng. Nếu biết tận dụng thế mạnh từ TMĐT, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí giao dịch, giảm thiểu các khâu trung gian, giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng mà còn mở rộng kinh doanh ở cả thị trường trong và ngoài nước một cách sâu rộng.

Xu hướng tất yếu

Internet và công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Trong đó, TMĐT là một trong những cách tiếp cận đối tác, khách hàng khắp mọi vùng miền, độ tuổi. Theo diễn đàn toàn cảnh thị trường TMĐT Việt Nam, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đang có tiềm năng phát triển cao, được dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới. 

TMĐT không chỉ giúp giảm chi phí giao dịch, giảm thiểu các khâu trung gian, giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng, mà còn mở rộng kinh doanh ở cả thị trường trong và ngoài nước một cách sâu rộng. Tuy vẫn phải đối mặt với khá nhiều thách thức như chi phí quảng cáo, bảo vệ thương hiệu, vấn đề thuế khi làm việc với các đơn vị TMĐT nước ngoài, hiện tại, TMĐT chắc chắn vẫn là cơ hội đáng giá để các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải tiến hệ thống vận hành cũng như học hỏi mô hình để phát triển doanh nghiệp.


Các doanh nghiệp trao đổi với nhau tại Hội nghị tập huấn về TMĐT do sở Công thương tổ chức

Không thể cưỡng lại sức hấp dẫn và cơ hội khủng từ các sàn TMĐT, nhiều sản phẩm của các thương hiệu từ thời trang, tiêu dùng, nội thất, linh kiện thời gian qua mau chóng hợp tác với các trang bán hàng uy tín trong và ngoài nước nhằm mục đích đưa thương hiệu của mình tiếp tục phủ sóng mạnh mẽ hơn tới người tiêu dùng. Phát triển kinh doanh TMĐT là sự phát triển tất yếu vì có nhiều thuận tiện hơn so với kinh doanh truyền thống. Bởi kinh doanh TMĐT kết nối, cung ứng dễ dàng và giảm thiểu chi phí về mặt bằng, kho bãi. Giao dịch điện tử cũng nhanh hơn so với giao dịch truyền thống. Nếu giao dịch truyền thống phải gặp trực tiếp hoặc qua bưu điện thì giao dịch điện tử chỉ cần gửi fax hoặc vài cú click chuột. Chi phí cũng rẻ hơn, giao dịch qua internet dễ dàng trong việc gửi thư tiếp thị, chào hàng đến hàng loạt khách hàng ở khoảng cách xa cách đại dương mà không tốn chi phí. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại và thời gian gặp mặt trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm, giao nhận tận nơi một cách nhanh chóng. Những lợi ích như trên chỉ có được với những tổ chức, cá nhân thực sự nhận thức được giá trị của TMĐT. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm hình thức TMĐT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện nay, những nội dung rất quan trọng trong loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán gần đây nhất, đều có những nội dung rất lớn liên quan đến phát triển TMĐT, liên quan đến cải cách thể chế và pháp lý để thúc đẩy phát triển TMĐT. Do đó, việc áp dụng TMÐT trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu và thực tế ở nước ta cũng đã cho thấy, không ít doanh nghiệp áp dụng TMÐT cũng như tham gia vào sàn giao dịch TMÐT đã mang lại những kết quả rất khả quan, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ khi có được cơ hội tìm thấy những khách hàng bên ngoài giới hạn địa lý của một tỉnh, thành phố hay một quốc gia.

Cơ hội và thách thức

Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực TMĐT của Việt Nam rất lớn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam vừa có cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cũng đối diện không ít thách thức. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin cũng như TMĐT, Việt Nam buộc phải có bước chuẩn bị để nắm bắt cơ hội, còn nếu không sẽ trở nên tụt hậu. Hiện Việt Nam có khoảng 60% dân số (trong số 93 triệu người) dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh với các công nghệ mới, khoảng 55% dân số sử dụng internet. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số, với 1 triệu lao động tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.


Ý tưởng kinh doanh qua internet được trình bày tại cuộc thi Sáng kiến xây dựng TPTM - Bình Dương 2018

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc Bình Dương xây dựng thành phố thông minh là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư phát triển TMĐT trong xu thế mới, mang lại hiệu quả và giá trị lợi nhuận cao. Việc xây dựng thành phố thông minh gắn với lợi ích của người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở ra môi trường thuận lợi cho lĩnh vực TMĐT phát triển khi mà hệ thống hạ tầng đầu tư bài bản cùng với nhiều chính sách tiện ích cho doanh nghiệp. Hiện nay, Sở Công thương Bình Dương đang tập trung xây dựng sàn TMĐT tỉnh Bình Dương và hỗ trợ các doanh nghiệp trong cạnh tranh và hội nhập quốc tế nhằm phục vụ cho công tác quảng bá và tìm kiếm thị trường hỗ trợ doanh nghiệp. Sở cũng đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc phát triển TMĐT như hỗ trợ xây dựng website đối với doanh nghiệp, khuyến khích công tác ứng dụng B2B, B2C và khuyến khích phát triển các ngành phụ trợ cho TMĐT. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông và các cuộc tập huấn, hội thảo về TMĐT cho doanh nghiệp…Tất cả tạo tiền đề hướng đến mục tiêu đến năm 2020, Bình Dương sẽ có 30% doanh nghiệp giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng TMĐT và các thiết bị di động; 50% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên theo các chuyên gia trước mắt TMĐT vẫn còn đối mặt với rất nhiều thách thức:

Thứ nhất, làn sóng đầu tư của các đối thủ “ngoại” vào Việt Nam cho thấy, TMĐT trong tương lai có thể chỉ là sân chơi của những tên tuổi lớn, điều này dễ dẫn đến việc các công ty lớn thâu tóm thị trường, gây bất lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó, hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ người tiêu dùng trẻ hiện khá ưa chuộng mua hàng qua các website TMĐT của nước ngoài như Amazon, eBay… do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng và phù hợp với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ thành thị, trong khi chi phí hoàn tất đơn hàng đối với các hợp đồng mua hàng trực tuyến từ nước ngoài thấp hơn… Đây là khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp TMĐT trong nước phải nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm trong xu thế toàn cầu.

Thứ hai, môi trường cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi các doanh nghiệp phải có năng lực tài chính, công nghệ, quản trị... Thực tế, tiềm lực vốn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp nội nếu muốn cạnh tranh với ngành TMĐT nước ngoài. Ngoài ra, nếu không cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp các giải pháp TMĐT thì rất dễ bị tốn chi phí mà không thu lại được nguồn lợi gì. 

Thứ ba, nhiều thống kê và báo cáo cũng cho thấy, số lượng người dùng internet mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng vẫn thấp hơn các nước khu vực.

Thứ tư, phần lớn doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không phải qua các nhà phân phối trung gian. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước cũng vẫn yếu so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm quốc nội vẫn lép vế so với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác…

Thứ năm, các sự cố kỹ thuật không chỉ khiến cho TMĐT của Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia phát triển khác có thể đối mặt với các sự cố không mong muốn hoặc thách thức về an ninh mạng.

Về phía người tiêu dùng, vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật thông tin… trên các giao dịch điện tử vẫn chưa thể khiến người tiêu dùng an tâm. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để buộc các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong TMĐT không được thực hiện một số hành vi có thể xâm hại tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, song còn nhiều điều khoản khó thực hiện ngay nên người tiêu dùng vẫn chịu nhiều thiệt thòi và cảm thấy không yên tâm khi mua sắm online.

TIỂU MY