Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Thứ tư, ngày 05/09/2018

(BDO) Tại Bình Dương, thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) đã được hình thành và từng bước phát triển. Nhằm tạo cầu nối hiệu quả giữa người bán sản phẩm (cá nhân, tổ chức nghiên cứu) và người mua (doanh nghiệp), Sở KHCN đã đề ra nhiều giải pháp, từ xúc tiến, hỗ trợ chính sách đến ươm tạo công nghệ… qua đó đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN tại tỉnh.

 Xúc tiến, phát triển thị trường KHCN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 33.810 doanh nghiệp (DN) trong nước và hơn 3.400 DN đầu tư nước ngoài. Đây được coi là một thị trường màu mỡ cho việc trao đổi, mua bán, chuyển giao KHCN giữa các DN.

Theo Sở KHCN, việc phát triển thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, một số đơn vị, DN đã chủ động tham gia tạo lập thị trường KHCN thông qua việc giới thiệu, chào bán các thiết bị công nghệ như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (thuộc Sở KHCN), Công ty TNHH Kỹ nghệ Nhiệt và Môi trường CAXE… Bên cạnh đó, Sở KHCN cũng là đầu mối xác nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào các DN đang hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ, việc tổ chức các hội chợ, triển lãm công nghệ được đánh giá sẽ giúp thị trường KHCN tại tỉnh phát triển mạnh. Trong ảnh: Hội chợ máy móc và gỗ nguyên liệu Việt Nam tổ chức tại Bình Dương. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Theo Sở KHCN, để đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN, ngoài việc hỗ trợ cung cấp thông tin về chợ công nghệ và thiết bị (techmart), trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (techdemo), tổ chức ngày hội đầu tư thương mại hóa công nghệ… Sở cũng hoàn thiện và đưa vào vận hành, hoạt động sàn giao dịch công nghệ và thiết bị theo mô hình sàn giao dịch công nghệ ảo nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm KHCN, thiết bị công nghệ do các DN trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, sản xuất.

Cùng với đó, Sở KHCN còn đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước; triển khai hỗ trợ kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng với các tổ chức KHCN, các DN nhằm đưa ra những sản phẩm, công nghệ phù hợp với thực tiễn.

Hỗ trợ, ươm mầm công nghệ

Nhằm phát triển thị trường KHCN của tỉnh phù hợp với tiềm năng và lợi thế tại địa phương, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KHCN, DN KHCN phát triển, tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ chính sách ưu đãi để tăng tiềm lực KHCN trong DN, hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ trên cơ sở các sáng chế hữu ích, giải pháp kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các vườn ươm công nghệ, vườn ươm DN tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, xác định DN KHCN đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, Sở KHCN đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các DN KHCN đang hoạt động và hình thành các DN KHCN. Sở KHCN tiếp tục quan tâm hướng dẫn các DN KHCN và các DN có triển vọng, có điều kiện trở thành DN KHCN tiếp cận, tham gia thực hiện các dự án độc lập thuộc Chương trình KHCN quốc gia, Chương trình KHCN của tỉnh.

Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết ngoài những giải pháp nói trên, sở tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN, tổ chức KHCN, tổ chức trung gian của thị trường KHCN đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường KHCN. Về kinh phí cho hoạt động KHCN, DN trên địa bàn tỉnh có thể thể dùng Quỹ phát triển KHCN tại DN hay vay vốn từ Quỹ KHCN của tỉnh.

KHÁNH ĐĂNG