Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển: Con đường tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp – Kỳ 2

Thứ bảy, ngày 07/05/2022

(BDO) Kỳ 2: Định hình hướng đi phù hợp

Triển khai xây dựng Đề án xây dựng thành phố thông minh là hướng đi đúng, phù hợp xu thế mà Bình Dương đã và đang dốc sức thực hiện. Cùng với đó, triển vọng sáng từ hoạt động nghiên cứu, phát triển tại các doanh nghiệp (DN) đã mở ra con đường phát triển bền vững của DN cũng như địa phương.


Mô hình hợp tác phát triển bài bản sẽ mở ra triển vọng lớn cho DN. Trong ảnh: Lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC thăm và làm việc tại nhà máy Công ty Takako

Thành công bước đầu

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết việc Công ty TNHH Takako Việt Nam và nhiều DN nghiên cứu thành công dây chuyền sản xuất mới, hiệu quả, cho thấy Đề án xây dựng thành phố thông minh mà Bình Dương theo đuổi là hoàn toàn phù hợp. “Thành phố thông minh Bình Dương là nơi nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh sự hợp tác liên kết 3 nhà để tạo ra những nền tảng công nghệ, phục vụ sản xuất, thúc đẩy phát triển và đích đến là mang lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc một DN FDI nghiên cứu, phát triển thành công dây chuyền sản xuất mới áp dụng vào thực tế đã hóa giải nỗi lo hiện hữu rằng nếu thay đổi công nghệ 4.0 kinh phí đầu tư là bao nhiêu? Số lượng lao động dôi dư ra sẽ đi về đâu? Con người làm sao thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ? Con đường đi đã bắt đầu rõ ràng và hiện hữu. Chúng ta tiếp tục vững vàng đi tới”, ông Hùng cho biết.

Theo anh Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Takako Việt Nam, đầu tư cho công nghệ cao bằng tiền đã là câu chuyện khó cho DN song đó chưa phải là đích đến nếu thiếu đi hoạt động nghiên cứu, phát triển. “Với những công nghệ hiện đại giá hàng triệu đô la Mỹ, đầu tư để sản xuất không phải DN nào cũng làm được. Nhưng nếu đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, cải tiến dựa trên nền tảng hiện có, tôi tin rằng bất cứ DN nào cũng làm được. Vấn đề là tầm nhìn. Bằng số lượng con người ấy, năng suất lao động sẽ tăng lên, nhà máy sẽ mở rộng ra, thu nhập tăng lên và xã hội phát triển hơn”, anh Luận khẳng định.

Theo TS.Ngô Minh Đức, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), mới đây, Becamex IDC cùng Sembcorp và VSIP đã công bố hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0, phát triển bền vững, đó là những nền tảng tăng trưởng mới. Các bên thống nhất thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0 Việt Nam - Singapore (VSIIC) tại EIU với các đối tác Singapore Polytechnic Quốc tế và Liên minh Chuyển đổi Thông minh i4.0 (Smart i4.0 Transformation Alliance - SiTA) của Singapore.

Việc thành lập trung tâm này thể hiện cam kết của Becamex IDC, VSIP và EIU trong việc đồng hành cùng DN với hành trình chuyển đổi công nghiệp 4.0. Thông qua hợp tác cùng các đối tác hàng đầu của Singapore trong lĩnh vực đào tạo, thúc đẩy và chuyển giao công nghệ 4.0 trong sản xuất, trung tâm được thành lập với tầm nhìn đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ 4.0, nâng cao năng lực cạnh tranh. VSIIC sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp, đào tạo lực lượng lao động, tư vấn hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 phù hợp.

Bên cạnh đó còn có thêm Trung tâm Sembcorp-EIU về các giải pháp bền vững (Sembcorp EIU Sustainability Center - SESC) được thành lập nhằm thúc đẩy việc xây dựng năng lực cho sinh viên và đội ngũ giảng dạy thông qua môi trường thực tế, phù hợp với ngành năng lượng mặt trời.

Đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, việc phát triển sản phẩm bắt đầu bằng việc phát triển tri thức và công nghệ. Những dự án trong lĩnh vực công nghệ đều hướng đến mục đích tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu, phát triển. Khuyến khích sự đổi mới hợp tác và chuyển giao tri thức, gắn kết được công nghệ mới với các ngành trọng điểm và các thách thức xã hội. Trong điều kiện hiện nay của Bình Dương, đây là một yếu tố còn rất mới. Chính quyền cần lãnh đạo và có sự hỗ trợ đặc biệt cho yếu tố này, trong đó Sở Khoa học và Công nghệ đóng vai trò đầu tàu, tập hợp các viện trường, công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng. Điều này rất cần thiết nhằm cải thiện khả năng của các công ty địa phương để có thể trở thành nhà cung cấp cho những công ty quốc tế. Bình Dương cần phải có một nền tảng tri thức vững chắc để có thể phục vụ được nhiều công ty sản xuất tiên tiến. Bình Dương có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các DN thông qua việc sử dụng công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Dương hiện nay đang có lợi thế rất lớn với chất lượng và số lượng các khu công nghiệp và công ty sản xuất. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, chương trình cần thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ các công ty phát triển hoạt động kinh doanh trong khu vực, trong nước và xa hơn là quốc tế. Tỉnh cần chú ý tới hoạt động tạo mạng lưới và kết nối với các mạng lưới đã có, cũng như hợp tác trong chuỗi cung ứng, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia lớn có nhiều hoạt động kinh doanh tại khu vực sử dụng các nhà cung cấp địa phương. TS.Ngô Minh Đức cho biết từ đây đến cuối năm, EIU sẽ nỗ lực để hoàn thiện 2 trung tâm vừa nêu. EIU đang triển khai đào tạo cho DN ở mức 3.0 về tự động hóa như Nestle, FrieslandCampina...

Trong thời gian tới, trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) được xác định là chủ thể tiên phong trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những nền tảng tiên quyết thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế - xã hội. Những hoạt động hợp tác thể hiện định hướng và cam kết phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ cho tương lai cũng như Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương thông qua việc thu hút các chủ thể đổi mới sáng tạo, các trung tâm xuất sắc, các DN công nghệ, thúc đẩy hợp tác viện, trường và DN.

TIỂU MY - CẨM TÚ