Đẩy mạnh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
(BDO) Trước thực trạng kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm còn nhiều diễn biến phức tạp, không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm; kết hợp tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP).
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP.Thủ Dầu Một
Đồng loạt ra quân kiểm tra
Những ngày này, tại 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, hoạt động kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đang được đẩy mạnh nhằm phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024.
Tại TP.Tân Uyên, đoàn kiểm tra liên ngành UBND thành phố vừa ra quân kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Đoàn tiến hành kiểm tra hồ sơ hành chính, pháp lý, tình hình bảo đảm chất lượng ATTP tại các cơ sở; lấy mẫu thực phẩm thực hiện các test nhanh. Trong trường hợp cần thiết, đoàn tiến hành gửi mẫu kiểm nghiệm định lượng. Cùng với việc kiểm tra, đoàn đã kết hợp công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức quy định của pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong bảo đảm ATTP.
Trước đó, TP.Tân Uyên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành thú y kiểm tra chợ trên địa bàn các phường: Thái Hòa, Uyên Hưng, Vĩnh Tân, Khánh Bình, Hội Nghĩa. Đoàn đã phát hiện và xử lý 6 cơ sở vi phạm về kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm soát giết mổ, không tiêm phòng thú y. 6 cơ sở này đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 3,7 triệu đồng.
Trao đổi với P.V, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Y tế TP.Tân Uyên, cho biết trong năm 2023, thành phố không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, cùng với công tác kiểm tra, thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc làm này nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, tránh để xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm đáng tiếc.
Trong khi đó tại TP.Thuận An, địa phương này đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATTP thành phố và các phường. Tới đây, đoàn kiểm tra liên ngành các cấp sẽ tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, đoàn tập trung kểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ tết thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế, kinh tế và công thương, như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, giò, chả, thủy hải sản, trái cây, rau củ quả; rượu, bia, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; thức ăn ngay (cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố). Hoạt động kiểm tra bảo đảm đúng tiến độ theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh.
Kiểm tra nhóm sản phẩm phục vụ tết
Thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 21.768 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 6.305 cơ sở sản xuất thực phẩm, 8.613 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.024 cơ sở bếp ăn tập thể, 427 cơ sở chế biến suất ăn sẵn, 3.801 cơ sở dịch vụ ăn uống và 9.653 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết nhằm bảo đảm ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, mùa lễ hội xuân năm 2024, các địa phương trong tỉnh sẽ thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian kiểm tra kéo dài từ nay đến hết tháng 3-2024. Các địa phương tập trung vào kiểm soát ATTP, đặc biệt là các sản phẩm, nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội, như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
“Qua kiểm tra, các địa phương sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol. Trong quá trình kiểm tra, các địa phương kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm ATTP”, ông Huỳnh Minh Chín nói.
Trên tinh thần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP, các địa phương tuyệt đối không để các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Vì vậy, khi tiến hành kiểm tra, các địa phương tập trung xem xét các nội dung: Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, công bố phù hợp quy định ATTP; nhãn sản phẩm hàng hóa thực phẩm; hồ sơ nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người, bảo quản thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP khi cần thiết.
KIM HÀ