Đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm tại chợ, cơ sở sản xuất

Thứ ba, ngày 15/10/2024

(BDO) Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng nhanh, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ và các cơ sở sản xuất, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An, trong 9 tháng qua địa phương đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm giám sát mối nguy ô nhiễm tại chợ và các cơ sở sản xuất ở 10/10 xã, phường với 15 nhóm thực phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm từ thịt (giò, chả, xúc xích, nem, chả, bò viên), sản phẩm từ tinh bột (bún, bánh canh, phở, mì vàng, tàu hủ ky), bánh từ bột (bánh đúc, bánh lọc, bánh ít, bánh lọt...), rau quả các loại, dưa muối, dưa cải, măng chua, thịt tươi sống, hải sản tươi sống...


Các cơ quan chức năng TP.Thủ Dầu Một kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh

Khi trung tâm tiến hành test 911 loại thực phẩm, đã phát hiện 20 mẫu thực phẩm có hàn the gồm các sản phẩm từ tinh bột (bún, bánh canh, phở, mì vàng, tàu hủ ky) và chả các loại (chả lụa, chả quế, chả cá).

Cùng với công tác giám sát thực phẩm, TP.Thuận An cũng tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Theo đó, từ đầu năm đến nay toàn thành phố thành lập 12 đoàn và đã kiểm tra 1.586 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phát hiện 117 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền 3 cơ sở và nhắc nhở vận động các cơ sở tuân thủ các điều kiện an toàn.

Tại huyện Dầu Tiếng, từ đầu năm đến nay không phát hiện mẫu thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm nhưng qua kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đã phát hiện 22 cơ sở vi phạm trong tổng số 616 cơ sở được kiểm tra. Trong tổng số 22 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm có 5 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng. Các cơ sở này vi phạm các nội dung, như: Quy trình sản xuất không theo nguyên tắc một chiều, không bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y, cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che chắn.


Cơ quan chức năng test các sản phẩm bánh làm từ bột ở một cơ sở chế biến thức ăn tại TP.Thủ Dầu Một

Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đang được toàn ngành y tế đẩy mạnh thực hiện. “Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy trình và kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Huỳnh Minh Chín nói.

“Mỗi người dân hãy là một giám sát viên về an toàn vệ sinh thực phẩm, nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt khi phát hiện thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn, người dân cần kịp thời thông tin tới các cơ quan chức năng để chung tay đẩy lùi ô nhiễm thực phẩm”, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, nói.

Thống kê của ngành y tế tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh kiểm nghiệm, giám sát gần 4.000 mẫu thực phẩm, phát hiện 83 mẫu không đạt, tiêu hủy hàng trăm kg mì sợi vàng, chả đòn, mực chay.

Không chỉ thực hiện test nhanh, các địa phương cũng gửi mẫu thực phẩm về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm một số chỉ tiêu vi sinh. Đây là hoạt động thường xuyên, định kỳ của các địa phương và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhằm kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn đang lưu thông trên thị trường.

KIM HÀ